Minh chứng điển hình của quốc gia phát triển có thể chống lại đại dịch

Việt Nam: Tiết kiệm nguồn lực và đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19 cho thấy một minh chứng điển hình về cách một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, đem đến một bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác.
Chống dịch thành công giúp Việt Nam tiếp tục là điểm thu hút nguồn vốn FDI

Chống dịch thành công giúp Việt Nam tiếp tục là điểm thu hút nguồn vốn FDI

Sức sáng tạo và hiệu quả trong chống dịch

Thực tế thì “bài học Việt Nam” trong cuộc chiến với Covid-19 đã được báo chí thế giới nhắc tới nhiều. Mới trung tuần tháng 10 vừa rồi, trang theconversation.com đã đặt câu hỏi châu Âu có thể học hỏi gì từ các nước như Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh. Nhấn mạnh châu Âu đang đối mặt với làn sóng tái bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, khi mỗi ngày ở các nước Anh, Tây Ban Nha và Pháp ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới, thì tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam hiện chỉ ở mức hơn 1.000 người, trong đó chỉ có tổng cộng 35 ca tử vong. Đây là con số rất thấp so với tổng dân số gần 100 triệu người của Việt Nam.

Từ câu chuyện chống dịch của Việt Nam, Báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) của Đức cho rằng chưa thể xác thực ý tưởng các nước phát triển có thể đối phó tốt hơn với đại dịch nhờ vào các thể chế vận hành tốt, nguồn tài chính dồi dào hay mặt bằng giáo dục cao. Xét từ góc độ y tế, Việt Nam không có nhiều cơ sở y tế hiện đại, không có các trang thiết bị tiên tiến, nhiều loại biệt dược còn thiếu.

Tuy nhiên, Việt Nam đã thành công mà theo đánh giá của báo chí thế giới là nhờ cách làm sáng tạo, từ những biện pháp phòng dịch từ sớm như việc các cơ quan y tế áp dụng chiến thuật xét nghiệm có mục tiêu, tập trung vào những cá nhân có nguy cơ cao và vào các tòa nhà và khu dân cư có các ca nhiễm được xác nhận, đến triển khai truy dấu rộng rãi, nhằm xác định những người có nguy cơ phơi nhiễm bất kể có hay không có triệu chứng và thiết lập các cơ sở cách ly cho những người bị nhiễm bệnh và du khách quốc tế nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Ấn tượng trước thành tích của Việt Nam, Báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) nhận định vấn đề hệ thống chính trị không mang tính quyết định, thay vào đó là sức sáng tạo và hiệu quả mới là điều quan trọng trong cuộc chiến với Covid-19.

Có thể nói thành công của Việt Nam thể hiện sự quyết tâm cao, ý chí thống nhất, hành động quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của toàn dân tộc; củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị và bản chất tốt đẹp của chế độ ta; đồng thời tạo môi trường an toàn để cả nước tập trung phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Viết tiếp “Điều thần kỳ mới của châu Á”

Thành công trong chống dịch Covid-19 đã giúp Việt Nam viết tiếp điều mà Tờ New York Times của Mỹ cho là “Điều thần kỳ mới của châu Á”. Tờ này nhấn mạnh sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, “những điều thần kỳ châu Á” - đầu tiên là Nhật Bản, sau đó là vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và gần đây nhất là Trung Quốc - đã vươn lên thoát nghèo bằng cách mở cửa cho thương mại và đầu tư và trở thành các cường quốc sản xuất để xuất khẩu với mức tăng trưởng xuất khẩu hằng năm khoảng gần 20%.

Việt Nam đã duy trì tốc độ tương tự trong suốt 3 thập kỷ. Ngay cả khi thương mại toàn cầu sụt giảm trong những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, xuất khẩu của Việt Nam cũng đã tăng trưởng 16% mỗi năm. Cho đến nay, đây vẫn là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và gấp 3 mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi.

Trong thời điểm khó khăn bất thường như bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì được xu hướng trên. Chính phủ đã công bố các biện pháp cắt giảm thuế, hoãn thuế và tiền sử dụng đất đối với các doanh nghiệp; luật đầu tư của Việt Nam đã được sửa đổi theo hướng có lợi hơn cho các nhà đầu tư thông qua việc cắt giảm các thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Kết quả là hơn 12 tỷ USD vốn FDI đã được đăng ký trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4-2020. Với dòng vốn đầu tư vẫn đang gia tăng chưa từng thấy, Việt Nam có khả năng trở thành nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á.

Cũng chính vào thời điểm căng thẳng của đại dịch, Việt Nam đã phê chuẩn một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt với Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 29-6-2020. Từ tháng 7-2020, EU đã dỡ bỏ 85% thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ cắt giảm dần phần còn lại trong vòng 7 năm tới. Đổi lại, Việt Nam sẽ dỡ bỏ 49% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu của EU và sẽ loại bỏ dần phần còn lại trong vòng 10 năm tới. Ngoài ra, Việt Nam cũng xuất siêu hơn 9,9 tỷ USD, cao nhất trong 4 năm qua.

Đó là một trong những lý do giúp kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực trong năm nay. Theo tờ “South China Morning Post”, mỗi cuộc khủng hoảng đều để lại những bài học, và chắc chắn cuộc khủng hoàng toàn cầu mang tên “đại dịch Covid-19” cũng vậy. Từ góc độ kinh tế, có thể thấy những nước có nền tảng kinh tế mạnh nhất có nhiều cơ hội nhất để thoát khỏi khủng hoảng một cách nguyên vẹn. Ở Đông Nam Á, hiếm có quốc gia nào có thể “dõng dạc” tuyên bố có nền tảng kinh tế mạnh mẽ như Singapore. Tuy nhiên, có một quốc gia đã âm thầm tiết kiệm nguồn lực và đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển - đó là Việt Nam.

Theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế, bất chấp việc áp đặt những biệt pháp ngặt nghèo để chống dịch, Việt Nam vẫn kỳ vọng đạt mức tăng trưởng trên 2% trong năm nay. Đây được coi là mức tăng trưởng hàng đầu thế giới trong bối cảnh nhiều nước có mức tăng trưởng âm. Nhìn tổng thể, theo Quỹ tiền tệ quốc tế, với quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN.