- Chống biến đổi khí hậu trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu
- Việt Nam: Chủ động, tích cực chung tay giải quyết thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu
Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
Sau 4 ngày làm việc, với hơn 20 phiên thảo luận sâu sắc và thực chất, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025 đã kết thúc thành công với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội về chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm và Tuyên bố P4G về tăng cường hợp tác và phối hợp giữa P4G và các tổ chức, cơ chế quốc tế về tăng trưởng xanh.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tại phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư |
Phát biểu bế mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi xanh là một hành trình tất yếu, là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững. Quá trình này đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu, hợp tác nhiều bên giữa chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng và mọi người dân để bảo đảm phát triển bao trùm, công bằng, không ai bị bỏ lại phía sau. Trái đất đang phải đối diện với nhiều nguy cơ của tai ương, dịch bệnh, mà một phần nguyên nhân là do con người tác động tiêu cực vào môi trường. Con người đã khai thác tài nguyên thiên nhiên đến cạn kiệt, những cánh rừng bị tàn phá, những ngọn đồi lở loét, những lòng biển chứa đầy rác thải nhựa đang cần được hồi sinh. Đã đến lúc thế giới phải chung tay băng bó lại những “vết thương” mà con người gây ra cho thiên nhiên.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi xanh đã trở thành việc khẩn cấp. Đây là một phương thức phát triển kinh tế quan tâm đến vấn đề môi trường và tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt. Theo Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), chuyển đổi xanh là tạo ra sự cải thiện phúc lợi của con người và công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu rủi ro môi trường và hủy hoại sinh thái. Nó liên quan đến các hoạt động và phương thức tiêu dùng gây ra tác động xấu cho môi trường và nguy hại đến cuộc sống con người.
Đi vào cụ thể, chuyển đổi xanh có thể được định nghĩa là chuyển đổi có các đặc điểm: tỷ lệ phát thải carbon thấp, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hoạt động chính của chuyển đổi xanh là bảo vệ môi trưởng, quản lý tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên nước, kiểm soát năng lượng tái tạo). Trong chuyển đổi xanh, tăng trưởng doanh thu và tạo việc làm được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư công và tư với đặc điểm là sử dụng tốt hơn các nguồn tài nguyên, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, chất thải và ô nhiễm, ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và suy thoái hệ sinh thái.
Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững luôn đi liền với nhau. Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Phát triển bền vững phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ. Trong khi đó, tăng trưởng xanh chính là việc phát triển kinh tế một cách bền vững thông qua việc giữ cân bằng, hài hòa với môi trường sinh thái, không gây áp lực, làm phá vỡ sự cân bằng của môi trường.
Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào các mục tiêu bền vững thôi là chưa đủ. Chuyển đổi xanh sẽ thúc đẩy sự chuyển đổi lực lượng lao động, với việc xuất hiện rất nhiều việc làm mới trong nền kinh tế xanh trên toàn cầu. Có điều, quá trình chuyển đổi xanh đang diễn ra trong thời kỳ khan hiếm nhân lực có những kỹ năng cần thiết để đảm nhiệm các vị trí trong nền kinh tế xanh. Theo con số thống kê, có đến 94% doanh nghiệp không tìm kiếm được lao động lành nghề đáp ứng các mục tiêu ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp). Vì thế, quá trình chuyển đổi xanh trên quy mô toàn cầu còn phải hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm trong mục tiêu đó.
Vai trò tiên phong trong xử lý thách thức toàn cầu
Hướng tới những mục tiêu trên, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư vừa kết thúc thành công tại Hà Nội đã đạt được 5 kết quả đồng thuận. Trước hết là đồng thuận về huy động tài chính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững các mô hình hợp tác công tư và các chính sách tài chính sáng tạo. Tiếp đó là đồng thuận về khuyến khích nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ xanh, đầu tư nhiều hơn cho hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn lực và hỗ trợ cần thiết. Hội nghị cũng đạt được sự đồng thuận về chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững, vừa đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, vừa đóng vai trò quan trọng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Về phát triển và đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nghị nhấn mạnh đến sự cần thiết tạo điều kiện để mọi cá nhân có quyền tiếp cận giáo dục đầy đủ, mở rộng cơ hội việc làm và giảm bất bình đẳng trong xã hội. Cuối cùng, hội nghị đạt được sự đồng thuận về chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững, thân thiện với môi trường, tăng cường hợp tác trong phát triển và chia sẻ công nghệ, cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các dự án năng lượng tái tạo, xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ việc chuyển đổi năng lượng, đồng thời khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kêu gọi các quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp tăng cường phối hợp với các thành viên P4G; cùng nhau chung tay, đóng góp trách nhiệm vì tương lai xanh của thế giới; biến cam kết thành hành động, biến ý tưởng thành các dự án cụ thể, biến đồng thuận thành quyết tâm triển khai mạnh mẽ, hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng cho tất cả các quốc gia, dân tộc và mọi người dân; cùng nhau xây dựng một thế giới ngày càng xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn và tốt lành hơn.
Tại hội nghị, các quốc gia và tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều cam kết hỗ trợ cụ thể, đóng góp vào các mục tiêu chuyển đổi xanh, phát triển bền vững: Hàn Quốc cam kết hỗ trợ tài chính cho P4G trong giai đoạn tới; UAE sẽ hỗ trợ 50 tỷ USD cho các dự án năng lượng tái tạo tại 70 quốc gia; Nhật Bản hỗ trợ nhiều dự án cho 25 quốc gia thông qua cơ chế chia sẻ tín dụng, đóng góp vào mục tiêu giảm carbon toàn cầu.
Các nước cũng đưa ra các mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính, trung hoà carbon thông qua mức đóng góp quốc gia tự nguyện. Trong khuôn khổ hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết 3 hiệp định vay giữa Việt Nam với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD) về cung cấp tài chính cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển bền vững, với tổng trị giá gần 400 triệu USD.
Thành công của hội nghị đã khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong tham gia xử lý các thách thức toàn cầu. Việc tổ chức hội nghị có ý nghĩa quan trọng không chỉ khẳng định sự tham gia, đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, mà còn giúp tranh thủ các nguồn lực quốc tế quý báu cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.Đánh giá về đóng góp của Việt Nam tại hội nghị, Giáo sư Reena Marwah thuộc Đại học Delhi (Ấn Độ) nêu rõ Việt Nam đang khởi xướng một mô hình hợp tác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, trách nhiệm chung và cam kết thực chất, nơi giá trị của một quốc gia không được đo bằng GDP, mà bằng hành động khí hậu cụ thể và tinh thần hợp tác. Tầm nhìn về một chủ nghĩa đa phương công bằng và bao trùm do Việt Nam thúc đẩy có thể mang lại một hướng đi mới, cần thiết và đầy hy vọng, cho trật tự khí hậu toàn cầu.