Việt Nam thiệt hại 12.300 tỷ đồng vì virus máy tính - mức kỷ lục trong nhiều năm

ANTD.VN - Ngày 26-12, Tập đoàn Công nghệ Bkav cho biết, năm 2017, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 12.300 tỷ đồng, tương đương 540 triệu USD, vượt xa mốc 10.400 tỷ đồng của năm ngoái.

Virus máy tính làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm

Theo Bkav, mức thiệt hại tại Việt Nam đã đạt kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Ở các nền kinh tế khổng lồ như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, tội phạm mạng gây ra tổng thiệt hại lên tới 200 tỷ USD mỗi năm.

Bức tranh toàn cảnh về an ninh mạng tại Việt Nam trong năm qua còn có các điểm nóng: gia tăng tấn công trên thiết bị IoT, các công nghệ sinh trắc học mới nhất liên tục bị qua mặt, bùng nổ tin tức giả mạo, mã độc đào tiền ảo.

Lo ngại việc tấn công vào các thiệt bị IoT

Bkav cho biết, các thiết bị kết nối Internet (IoT) như Router Wi-Fi, Camera IP… trở thành đích nhắm của hacker trong năm 2017 mà điển hình là sự bùng nổ các biến thể mới của mã độc Mirai, trong đó có biến thể nhắm mục tiêu đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, lỗ hổng Blueborne trong công nghệ kết nối không dây Bluetooth đẩy 8,2 tỷ thiết bị IoT trên toàn cầu sử dụng công nghệ này rơi vào vòng nguy hiểm. Hay KRACK, lỗ hổng cho phép hacker xâm nhập vào hầu hết mạng Wi-Fi mà không cần mật khẩu, khiến các thiết bị IoT có kết nối Wi-Fi đối mặt với cuộc tấn công mạng quy mô lớn chưa từng có.

Lý giải cho việc gia tăng các cuộc tấn công vào thiết bị IoT, Bkav cho rằng, nhà sản xuất thường để mật khẩu quản trị mặc định và không khuyến cáo khách hàng đổi thông số của thiết bị trước khi đưa vào sử dụng.

Trong khi đó, người dùng chưa có thói quen quan tâm đến an ninh của thiết bị, thường không thay đổi mật khẩu mặc định.

Một nghiên cứu của Bkav cho thấy có tới 76% camera IP tại Việt Nam hiện vẫn dùng tài khoản và mật khẩu được nhà sản xuất cài đặt sẵn. Việc cập nhật bản vá cho lỗ hổng trên thiết bị IoT cũng không đơn giản như cập nhật cho phần mềm, đòi hỏi sự can thiệp trực tiếp từ phía người dùng với kiến thức về mạng máy tính. Do đó, khả năng người dùng lơ là, không quan tâm đến lỗ hổng dù được cảnh báo là rất cao. 

Mã độc đào tiền ảo có dấu hiệu bùng nổ

Năm 2017 chứng kiến sự tăng giá chóng mặt của các đồng tiền ảo, tạo cơn sốt trên toàn cầu. Điều này cũng đã thúc đẩy hacker gia tăng mạng mẽ các hình thức tấn công nhằm biến máy tính người dùng thành công cụ đào tiền ảo. Hiện có 2 hình thức tấn công phổ biến nhất được hacker sử dụng là khai thác lỗ hổng website và lợi dụng mạng xã hội để phát tán virus.

Hacker thường chọn các website có nhiều người sử dụng để tấn công và cài mã độc có chức năng đào tiền ảo lên đó. Khi người dùng truy cập vào các website này, mã độc sẽ được kích hoạt. Với hơn 40% website tại Việt Nam tồn tại lỗ hổng có thể bị xâm nhập, khai thác, đây sẽ là đích nhắm của hacker trong việc phát tán mã độc đào tiền ảo.

Một hình thức khác là hacker phát tán virus đào tiền ảo thông qua mạng xã hội. Sau khi lây nhiễm, mã độc sẽ âm thầm sử dụng tài nguyên của máy nạn nhân để chạy các chương trình đào tiền.

Gần đây nhất, mã độc lây qua Facebook bùng phát từ ngày 19-12 và làm “náo loạn” Internet tại Việt Nam. Thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav, đã có hơn 23.000 máy tính tại Việt Nam nhiễm loại mã độc này.

Chuyên gia Bkav nhận định, trong thời gian tới hình thức đào tiền ảo bằng cách phát tán virus có xu hướng tiếp tục bùng nổ thông qua Facebook, email, qua lỗ hổng hệ điều hành, USB.

Ông Ngô Tuấn Anh- Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cho hay, năm 2018 sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ các cuộc tấn công phát tán mã độc nhằm thu lợi bất chính như mã độc mã hóa tống tiền ransomware, mã độc đào tiền ảo…

"Bên cạnh việc phát tán mã độc để tạo ra mạng lưới botnet đào tiền ảo, hacker cũng sẽ nhắm mục tiêu tấn công trực tiếp vào các sàn giao dịch tiền ảo. Hiện nay hầu hết các sàn giao dịch tiền ảo đều không có sự đảm bảo từ các chính phủ, do vậy nếu xảy ra tấn công, người tham gia sàn giao dịch sẽ chịu mọi rủi ro, mất tiền"- đại diện Bkav cảnh báo.