Việt Nam: Thị trường tiềm năng của smarphone

ANTĐ - Thị trường năng động với dân số trẻ, luôn đón nhận những trào lưu công nghệ mới đã khiến nhiều nhà sản xuất, phân phối sản phẩm công nghệ đánh giá, Việt Nam là thị trường tiềm năng. 

Một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam luôn chờ đón sản phẩm công nghệ mới nhất

Ông Trần Kinh Doanh - Phó Tổng giám đốc Thế giới di động đánh giá, nếu như năm 2013, khả năng tiêu thụ của máy tính bảng đã có bước “đột phá” thì sang năm 2014, sản phẩm này sẽ tăng trưởng gấp 3 lần năm 2013.

Bên cạnh đó, Thế giới di động cũng sẽ tập trung vào mảng điện thoại thông minh vì sản phẩm này dự đoán sẽ có mức tăng trưởng mạnh mẽ, tiếp tục tăng trưởng cao trong năm nay.

Chia sẻ tại hội thảo “Smartphone với truyền thông hiện đại” vừa diễn ra, ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnam Plus cho biết, số thuê bao di động của Việt Nam hiện nay là hơn 138,55 triệu máy, trong đó có 38% là smartphone. Mỗi tháng, các doanh nghiệp, cửa hàng bán ra lượng máy điện thoại thông minh vô cùng lớn.

Ông Bae Myung Bok- Đặc phái viên, Thành viên Ban bình luận thời sự, nhật báo Chungang cho biết, vào cuối tháng 4-2014, tỷ lệ người sử dụng smartphone tại Hàn Quốc là 75%.

Sở dĩ điện thoại, sản phẩm công nghệ thông minh ngày càng trở nên phổ biến bởi vì chỉ với thiết bị nhỏ di động này, người dùng có thể chụp ảnh, quay phim, gửi tin tức, đọc và chia sẻ tin tức từ mạng xã hội, báo chí… và rất nhiều tiện ích khác. Giống như nhiều nước khác trên thế giới, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng dòng điện thoại, thiết bị di động thông minh.

Ở góc độ nhà sản xuất, đại diện của Samsung Việt Nam cho biết, thị trường điện thoại thông minh tại Việt Nam đang diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt, thị trường ngày càng có nhiều thương hiệu tham gia tại nhiều phân khúc khác nhau. Và Samsung hiện đang tiếp tục giữ ở vị trí đẫn đầu thị trường ở mảng điện thoại thông minh với việc chiếm 30,2% về thị phần (tính về giá trị đến tháng 3-2014).

Để cạnh tranh với các nhà cung cấp khác, hãng này vừa phải đưa ra các sản phẩm ở nhiều phân khúc khác nhau, vừa đưa ra dòng sản phẩm chủ lực là điện thoại thông minh. Các sản phẩm này có màn hình lớn hơn phục vụ nhu cầu đọc, học hay giải trí, hoặc bút S-Pen để có thể ghi chép, chú thích… Bên cạnh đó, hãng này cũng đưa ra nhiều dịch vụ đi kèm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng như: ứng dụng VOV giao thông, ứng dụng quà tặng Galaxy…

Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường GfK, sản phẩm máy tính bảng Samsung Tab 3 Lite, hướng đến phân khúc học sinh, sinh viên là mẫu máy tính bảng bán chạy nhất trong tháng 3-2014.

“Thực tế cho thấy, một nhóm người tiêu dùng là Trendsetter (người tạo ra xu hướng) hay Early Adopter (người nhanh chóng theo xu hướng mới) luôn sẵn sàng để sở hữu những sản phẩm công nghệ mới nhất, và khi tuổi đời của công nghệ ngày càng bị rút ngắn đi, việc trả một số tiền xứng đáng để sở hữu các công nghệ mới nhất trước khi nó trở nên lỗi thời là nhu cầu có thật trong nhóm người tiêu dùng này”- đại diện Samsung chia sẻ.

Giới chuyên gia công nghệ đánh giá, chính vì nắm bắt được tiềm năng tiêu thụ điện thoại thông minh nói riêng và sản phẩm công nghệ thông minh của thị trường Việt Nam nói chung, cũng như khả năng xuất khẩu lớn mà mới đây, Samsung đã đầu tư thêm nhà máy tại Thái Nguyên. Trước đó, nhà máy tại Bắc Ninh có quy mô lớn đã đi vào hoạt động. Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà hãng sản xuất này đầu tư đến 2 nhà máy và cam kết đầu tư lâu dài.