Việt Nam tăng uy tín giữa thế giới bất ổn bởi đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Thành công trong chống dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) đang làm tăng uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời mở cơ hội để đất nước đẩy mạnh hội nhập và phát triển.

Bất chấp tác động của dịch Covid-19, dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào Việt Nam

Bất chấp tác động của dịch Covid-19, dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào Việt Nam

Điểm sáng kinh tế duy nhất ở châu Á

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế trực tuyến “Vai trò thay đổi của Việt Nam trong thế giới đương đại: hướng tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII” vừa diễn ra tại Nga, nhiều học giả đánh giá rằng, bất chấp đại dịch Covid-19, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng gia tăng. Đặc biệt, Việt Nam duy trì chính sách đối ngoại hòa bình, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới.

Nói về “hiện tượng Việt Nam trong đại dịch Covid-19”, Tiến sỹ Evgeny Vlasov, lãnh đạo Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông nhận định thành công của Việt Nam nằm ở chỗ Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng chống dịch và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, qua đó nâng cao tín nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngăn chặn được dịch cũng giúp Việt Nam làm nên điều kỳ diệu là duy trì tăng trưởng 2,4% trong năm 2020. Đây là tỉ lệ tăng trưởng thuộc loại cao nhất thế giới, trong khi tất cả các cường quốc đều lâm vào suy thoái vì đại dịch. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2020, Việt Nam là một trong 4 nền kinh tế trên thế giới có được sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người, cùng với Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Ai Cập.

Nhìn nhận về những nỗ lực của Việt Nam, tờ Manila Times của Philippines đánh giá: “Việt Nam dường như là điểm sáng kinh tế duy nhất ở châu Á nhờ cân bằng rất tốt giữa vấn đề bảo đảm sức khỏe cộng đồng và tăng trưởng kinh tế ngay từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát”. Còn tờ Nikkei Asia của Nhật Bản thì nhận định Việt Nam đang trở thành câu chuyện thành công kinh tế duy nhất của Đông Nam Á trong “kỷ nguyên” đại dịch, khi duy trì tốc độ tăng trưởng dương ổn định, trong lúc các nền kinh tế khác đang vật lộn để hồi phục.

Việt Nam có mọi khả năng phát triển thành công và ổn định

Những kết quả mà Việt Nam đạt được trong năm 2020 đang mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho đất nước phát triển. Nhìn nhận về triển vọng của Việt Nam, nhiều tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế trực tuyến “Vai trò thay đổi của Việt Nam trong thế giới đương đại: hướng tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII” cho rằng, Việt Nam đương đại có mọi khả năng để hiện đại hóa toàn diện, phát triển thành công và ổn định, đồng thời khắc phục những trở ngại như tham nhũng, thoái hóa nhân sự và hoạt động của các thế lực thù địch.

Nhận định đó xuất phát từ nhiều thực tế. Trước hết, Việt Nam là đất nước có dân số trẻ đang phát triển, tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều sự thay đổi lớn như về cấu trúc nhân sự, về tư duy, tầm nhìn chiến lược hay cách tiếp cận và đã đuổi kịp với xu hướng biến động của tình hình kinh tế thế giới…Thêm vào đó, việc ngăn dịch thành công tạo điều kiện giúp Việt Nam đẩy mạnh quảng bá đất nước, tăng thu hút đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, sau khi làn sóng bùng phát thứ 2 của dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã liên tục gia tăng. Không những thế, trong xu thế hội nhập hiện nay, Việt Nam có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn. Nhiều nước đã bắt đầu xem xét chọn Việt Nam như là địa chỉ mới tái cơ cấu chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.

Theo các số liệu thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 11-2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đã lên tới 26,4 tỷ USD. Đáng chú ý, có tới 15 trong tổng số 30 doanh nghiệp nhận trợ cấp từ Chính phủ Nhật Bản để chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Đông Nam Á đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và nước ngoài nói chung có niềm tin rất lớn về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, uy tín đang lên còn tạo cơ hội cho Việt Nam phát huy vai trò khi tham gia giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Mới đầu tháng 12 vừa rồi, Đại hội đồng LHQ đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết A/RES/75/27 thành lập “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh” vào ngày 27-12 hàng năm. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua tại Đại hội đồng LHQ. Thành tựu của Việt Nam trong kiểm soát dịch Covid-19 đã tạo ra một sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng quốc tế, giúp Nghị quyết nhận được số nước đồng bảo trợ rất cao, hơn 100 nước, và được thông qua bằng hình thức đồng thuận.

Cùng với những gì mà Việt Nam đã thể hiện trong suốt một năm qua trong “vai trò kép” - Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ, triển vọng về kinh tế cùng khả năng chống dịch thành công sẽ giúp Việt Nam tiếp tục củng cố vai trò và uy tín trên trường quốc tế.