Việt Nam: Sức mạnh hạt nhân phải vì mục đích hòa bình của nhân loại

ANTD.VN - Giải trừ vũ khí hạt nhân để thế giới được an toàn hơn đồng thời sử dụng tiềm năng to lớn của hạt nhân vào mục đích hòa bình, phục vụ cuộc sống của con người từ lâu đã là đòi hỏi của các quốc gia và người dân toàn cầu.

Đại sứ Dương Chí Dũng nêu bật chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ các nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình

Ngày 25-4, phát biểu tại phiên họp lần thứ 2 Ủy ban trù bị Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) diễn ra từ ngày 23-4 đến 4-5 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc tại Geneva Dương Chí Dũng nêu bật chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân. Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện cân bằng 3 trụ cột của NPT là giải trừ vũ khí hạt nhân, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Cuộc họp của Ủy ban trù bị Hội nghị kiểm điểm NPT diễn ra trong bối cảnh vũ khí hạt nhân, chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân, đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân… cũng như sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình đang là một vấn đề nóng bỏng trên thế giới, trong đó có vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Thỏa thuận hạt nhân với Iran. Từ hàng chục năm nay, chương trình phát triển hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên và Iran là căn nguyên phát sinh 2 điểm nóng dễ bùng nổ bậc nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, điều khiến thế giới lo lắng hơn cả chính là kho vũ khí hạt nhân khổng lồ cùng chính sách răn đe hạt nhân của các cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới. Mỹ và Nga cho đến nay đã ký Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn 3 (START -3) và Hiệp ước Tiêu hủy tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF), song kho vũ khí hạt nhân của 2 cường quốc này được đánh giá vẫn thừa sức hủy diệt sự sống trên Trái đất.

Đáng quan ngại hơn là các cường quốc vũ khí hạt nhân liên tục chạy đua vũ trang, hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình. Các chuyên gia quốc tế khẳng định, mặc dù có 5 trong số 9 cường quốc hạt nhân thế giới là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ đều tham gia NPT, nhưng các nước này đều đang hiện đại hóa kho vũ khí của mình và đưa vũ khí hạt nhân vào trọng tâm chiến lược quốc phòng quốc gia, coi vũ khí hạt nhân như là một sức mạnh răn đe trong quan hệ quốc tế hiện đại.

Vũ khí hạt nhân với sức mạnh hủy diệt của nó một khi được sử dụng để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp hay xung đột giữa các quốc gia chắc chắn mang lại hậu quả vô cùng thảm khốc. Hai quả bom hạt nhân mà Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trước khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai năm 1945, cướp đi sinh mạng của khoảng 120.000-180.000 người, luôn nhắc nhở nhân loại rằng dù với bất kỳ lý do gì đều không thể lặp lại sự kiện bi thảm này.

Chính vì thế, cộng đồng quốc tế sau bao nỗ lực đã đi tới việc ký kết NPT vào tháng 7-1968, có hiệu lực từ tháng 3-1970, làm nền tảng pháp lý để thực hiện không phổ biến, giải trừ vũ khí hạt nhân với sự tham gia của 191 quốc gia. Tuy nhiên, chính sách răn đe hạt nhân và tham vọng hạt nhân đang đe dọa phá bỏ NPT, nghiêm trọng hơn là cuộc sống bình yên và sự sống trên Trái đất. 

Đại diện cấp cao về giải trừ quân bị của Liên hợp quốc Izumi Nakamitsu trong phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị trù bị chuẩn bị cho Hội nghị kiểm điểm NPT ngày 23-4 đã cảnh báo, nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân đang ngày càng gia tăng và điều này tiềm ẩn nhiều hiểm họa đối với thế giới. Vì thế, quan điểm của Việt Nam cũng là mong mỏi chung của đại đa số các quốc gia trên thế giới, đó là sức mạnh hạt nhân phải được phục vụ cho mục đích hòa bình của nhân loại, chứ không phải là để răn đe hay hủy diệt sự sống trên hành tinh của chúng ta.