Việt Nam sẽ có cơ hội tham dự VCK World Cup 2034?

ANTĐ - Tại cuộc họp Ban thi đấu AFF vừa diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia), ý tưởng đưa VCK World Cup 2034 về Đông Nam Á một lần nữa được đưa lên bàn thảo luận. Nếu thành công, Việt Nam sẽ có cơ hội góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Liệu trong 20 năm nữa, Việt Nam (trắng) sẽ đủ sức góp mặt tại VCK World Cup?

Ông Trần Quốc Tuấn- ủy viên Ban thi đấu AFF, đồng thời cũng là đại diện Việt Nam tham dự cuộc họp nói trên cho biết, kế hoạch đưa VCK World Cup 2034 về Đông Nam Á bắt nguồn từ ý tưởng của ông Abdullah Ibni Sultan Ahmad Shah - Phó Chủ tịch AFC, Trưởng ban các vấn đề khẩn cấp của AFF. Ý tưởng này đã được các thành viên Ban thi đấu rất quan tâm và đồng tình vì đây không chỉ là cơ hội phát triển bóng đá Đông Nam Á mà còn là cơ hội quảng bá văn hóa, phát triển hình ảnh và quảng bá du lịch của các nước trong khu vực.

Trước đó, tại Hội nghị Ngoại trưởng thường niên các nước ASEAN năm 2011 tại Hà Nội, ý tưởng đưa World Cup về Đông Nam Á cũng đã được xem xét một cách nghiêm túc và đồng ý triển khai chương trình nghiên cứu về khả năng các nước ASEAN sẽ đồng đăng cai sự kiện bóng đá hấp dẫn nhất thế giới này.

 Không muốn bỏ lỡ cơ hội, AFF thống nhất sẽ chuẩn bị đề án này một cách kỹ lưỡng để báo cáo tại cuộc họp Hội đồng AFF dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8 tại Deli (Đông Timor). Sau đó, đại diện của Hội đồng Bóng đá Đông Nam Á (AFF) sẽ báo cáo tại Hội nghị các nước ASEAN sẽ diễn ra tại Lào vào tháng 10 năm nay.

Sau World Cup 2002 diễn ra tại Nhật Bản và Hàn Quốc và sắp tới là World Cup 2022 ở Qatar, châu Á nhiều khả năng sẽ trở thành điểm hẹn của kỳ World Cup 2034. Các thành viên khối ASEAN chắc chắn sẽ cố gắng nắm bắt cơ hội này, bởi việc được đăng cai tổ chức VCK World Cup được đánh giá sẽ mang lại những lợi tích to lớn và dài hạn, không chỉ về phát triển bóng đá mà còn liên quan đến cả kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên để hiện thực hóa đề án này không phải là điều đơn giản. Bởi ở thời điểm hiện tại, bóng đá Đông Nam Á vẫn còn là “vùng trũng” trên bản đồ bóng đá thế giới.  Ngay cả trong vòng 20 năm nữa, thì trình độ của các đội tuyển trong khu vực cũng khó có thể bắt kịp với đẳng cấp của các cường quốc bóng đá thế giới. Hơn nữa, châu Á hiện đang nắm giữ 4,5 suất dự VCK World Cup nên trong trường hợp khối ASEAN (có thể sẽ lựa chọn 4 quốc gia hội tụ đủ điều kiện) đồng đăng cai tổ chức, thì “quota” dự World Cup của châu Á chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh tăng lên. Đó có lẽ là điều mà FIFA không mong muốn bởi nó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn và tính hấp dẫn của giải.

Mặc dù khả năng đưa World Cup về với Đông Nam Á vẫn còn là một dấu hỏi lớn, nhưng thiết nghĩ để tạo thế chủ động trong cuộc đua với các đối thủ chính trong khu vực, thì ngay từ thời điểm này bóng đá Việt Nam cần phải bắt tay vào thực hiện chiến lược của riêng mình.

Đề án phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có thể xem là “bảo bối” cho hoạt động quản lý, điều hành và phát triển bóng đá của VFF. Nhưng nếu không tận dụng thành công cơ hội để ghi bàn, mục tiêu đưa bóng đá nước ta phát triển, trở thành một trong những trung tâm bóng đá của khu vực và châu lục; đến 2030, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu châu Á khó có thể trở thành hiện thực.