Nguy cơ lây lan dịch MERS từ Hàn Quốc:

Việt Nam phải cảnh giác và chuẩn bị tốt trong trường hợp có ca bệnh xâm nhập

ANTĐ - Đây là nhận định của Giáo sư Masuya Kato, Điều phối viên nhóm bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam khi trả lời phỏng vấn Truyền hình Việt Nam. Ông đã nói về mức độ dịch bệnh có thể lây lan sang Việt Nam và có những khuyến cáo để người dân lưu ý phòng chống Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS).
Việt Nam phải cảnh giác và chuẩn bị tốt trong trường hợp có ca bệnh xâm nhập  ảnh 1

- PV: Xin chào ông Kato, giới chức y tế địa phương đã từng cho rằng nguy cơ MERS xâm nhập vào châu Á là rất thấp, nhưng Hàn Quốc giờ đã ghi nhận hàng chục trường hợp. Vậy ông đánh giá như thế nào về nguy cơ MERS xâm nhập vào Việt Nam?

- Giáo sư Masuya Kato, Điều phối viên nhóm bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam: Nhìn lại trường hợp đầu tiên tại Hàn Quốc, từ khi bệnh nhân có biểu hiện, triệu chứng đến khi chẩn đoán là 9 ngày. Trong 9 ngày đó bệnh nhân này đã đi tới 4 cơ sở y tế, đó là thời gian có thể gây ra phơi nhiễm cho nhiều người. Tuy vậy, trước đây ở Trung Đông cũng có rất nhiều trường hợp tương tự, nên tôi muốn nói, chùm ca bệnh lần này ở Hàn Quốc cũng không có gì khác. Tức là, nguy cơ lây lan MERS từ Hàn Quốc sang Việt Nam không thật sự cao vì Hàn Quốc kiểm soát bệnh nhân rất chặt chẽ.

Việt Nam phải cảnh giác và chuẩn bị tốt trong trường hợp có ca bệnh xâm nhập  ảnh 2

- Vậy WHO đang có những hành động hay bước đi như thế nào để hỗ trợ Việt Nam?

- Có 3 điều quan trọng: Một là, phải tăng cường thực hành thường xuyên công tác phòng chống nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh. Đối với công tác này, chúng tôi đang hỗ trợ các bạn. Nhân viên y tế phải rửa tay thường xuyên, khi tiếp xúc với bệnh nhân ho thì phải đeo khẩu trang. Bệnh nhân cũng phải nhận thức được khi họ ho cần phải che miệng.

Hai là, cơ quan hữu trách phải cung cấp thông tin kịp thời cho người dân. Ba là, những người có việc đi đến Trung Đông thì phải được tuyên truyền rõ là nên tránh ăn thực phẩm chưa nấu chín hoặc tránh tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ nhiễm MERS. Thêm vào đó, những người này cũng cần chủ động thông báo về tiền sử đi lại của mình. 

- MERS đang được so sánh với dịch SARS cách đây hơn 10 năm, dịch bệnh đã khiến gần 1.000 người tử vong. Việt Nam là một trong những quốc gia đã có những nỗ lực rất lớn để ngăn chặn thiệt hại nặng nề bởi dịch SARS gây ra năm đó. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tránh xảy ra một kịch bản tương tự như dịch SARS từng hoành hành?

- Tới hiện tại, WHO nhận định, vẫn chưa có bằng chứng về việc lây truyền MERS bền vững giữa người với người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải cảnh giác và chuẩn bị tốt trong trường hợp Việt Nam có ca xâm nhập. Một kinh nghiệm khác ở Trung Đông là việc thực hành chống nhiễm khuẩn bệnh viện được thực hiện tốt. Đây là điều kiện tiên quyết để tránh lây lan. Chúng tôi đánh giá cao việc Việt Nam đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phòng chống MERS và kích hoạt trung tâm điều hành khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng.