Việt Nam nỗ lực xây dựng một khu vực không có ma tuý

ANTD.VN -  Ngày 10-9, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ dự chỉ đạo và phát biểu khai mạc hội nghị. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu khai mạc hội nghị

Hội nghị có sự tham dự của gần 200 đại biểu đại diện cho các nước và tổ chức quốc tế: Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Philippines, Việt Nam, Cơ quan phòng, chống ma túy Mỹ (DEA), Văn phòng Cảnh sát Liên bang Australia (AFP), Văn phòng khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Băng Cốc, Thái Lan cùng đại diện các bộ, ngành thành viên Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và tê nạn ma túy, mại dâm và các tỉnh giáp biên với Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ, ma túy là hiểm họa và là vấn nạn chung của toàn cầu, đã và đang gây ra những hậu quả tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Đây là loại tội phạm sản sinh ra các loại tội phạm khác như tài trợ khủng bố, tham nhũng và rửa tiền.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa sâu rộng, hoạt động của các tổ chức, đường dây tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia đang ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp và khó lường. Trong khi đó, chính sách phòng, chống ma túy khác biệt trên toàn cầu đã gây ra những khó khăn nhất định trong giải quyết có hiệu quả vấn đề này.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cũng khẳng định, việc đẩy mạnh hợp tác giữa các nước có liên quan trong khu vực và trên thế giới trong giải quyết vấn nạn ma túy là đòi hỏi tất yếu, khách quan và cần được nâng lên tầm cao mới, nhằm đạt được hiệu quả, thiết thực hơn.

Trong khuôn khổ hợp tác về phòng, chống ma túy những năm qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các quốc gia ở khu vực và thế giới trong phòng, chống ma túy toàn cầu, trong đó có các tổ chức Liên hợp quốc, đặc biệt là Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc và Ủy ban Kiểm soát ma túy Liên hợp quốc; những kết quả đạt được trong phòng, chống ma túy của các nước thông qua việc chủ động xây dựng chính sách, chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy; củng cố và đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hành pháp, trấn áp quyết liệt tội phạm ma túy trong nước và trên các tuyến biên giới; tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai tích cực các nội dung trong cơ chế hợp tác song phương, đa phương với các nước láng giềng, khu vực và thế giới. Theo Phó Thủ tướng, với sự quyết tâm lớn của Chính phủ các nước, tội phạm ma túy thời gian qua phần nào đã được ngăn chặn, kiềm chế và đẩy lùi.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, trong hơn 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán về chính sách, tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp giảm cung, giảm cầu kết hợp với giảm tác hại do ma túy gây ra. 

Việt Nam cũng luôn tích cực, chủ động tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy với các nước ký kết Hiệp định hợp tác, các nước có chung đường biên giới, các tổ chức quốc tế, khu vực và các nước đối tác tài trợ như Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC), Cơ quan phòng, chống ma túy của Mỹ (DEA), Cảnh sát Liên bang Úc (AFP), các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines, Myanma... Qua đó góp phần tăng cường sự gắn kết, thúc đẩy hiệu quả thực thi pháp luật, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phòng, chống ma túy ở trong nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Tô Lâm cùng các trưởng đoàn, Bộ trưởng các nước, đối tác dự hội nghị

Phó Thủ tướng đánh giá, trước tình hình ma túy ở khu vực và trên thế giới đang có những diễn biến phức tạp mới rất đáng lo ngại thì Hội cấp Bộ trưởng do Việt Nam khởi xướng kỳ vọng sẽ là một diễn đàn thiết thực để lực lượng chức năng phòng, chống ma túy các nước chia sẻ, trao đổi thông tin cập nhật về diễn biến tình hình, kết quả đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy, cũng như bàn các giải pháp cụ thể và có hiệu quả để kịp thời ứng phó với tội phạm ma túy.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị, các nước tham gia tích cực và nâng cao hơn nữa vai trò chủ đạo trong xây dựng các chính sách, chiến lược kiểm soát ma túy của quốc gia và khu vực. Đồng thời tăng cường hơn nữa tính tự chủ, trực tiếp tham gia đóng góp và chia sẻ trách nhiệm huy động các nguồn lực cho các sáng kiến phòng, chống ma tuý của khu vực và thế giới, trong bối cảnh nguồn lực của quốc tế dành cho công tác phòng, chống ma túy suy giảm.

“Tại Hội nghị hôm nay, thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tôi khẳng định lại quyết tâm, thiện chí và cam kết của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Việt Nam đã, đang và sẽ luôn là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, luôn sát cánh cùng các thành nước trong khu vực và trên thế giới thực hiện nghiêm túc những cam kết và thỏa thuận đã đạt được; nỗ lực phấn đấu cho các mục tiêu chung của khu vực, vì hoà bình, ổn định, phát triển thịnh vượng và xây dựng một khu vực không có ma tuý”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh.

Tại các phiên họp nhóm, các nước đã tập trung phân tích và đánh giá tình hình, nắm bắt biến động mới của các tuyến, địa bàn và đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy bất hợp pháp trong khu vực, đồng thời thảo luận thống nhất một số giải pháp cấp bách, chiến lược nhằm phối hợp đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới, các tuyến vào và từ Tam giác Vàng đi các khu vực khác. Hội nghị đã thống nhất chia sẻ danh sách, hồ sơ các đối tượng phạm tội về ma túy, các đối tượng truy nã đang lẩn trốn hoặc nghi đang lẩn trốn tại các nước; phối hợp xác minh thông tin, lập chuyên án điều tra và phối hợp cử đoàn cán bộ sang nước sở tại để phối hợp, tổ chức hỏi cung bị can nhằm bóc gỡ cả đường dây, bắt giữ được các đối tượng vận chuyển và các đối tượng chỉ huy, cầm đầu; tiến hành điều tra chung.