Việt Nam muốn trở thành nền công nghiệp y tế hút người nước ngoài đến chữa bệnh

ANTD.VN - Với nền tảng chi phí dịch vụ y tế thấp nhưng chất lượng chuyên môn cao, Bộ Y tế kỳ vọng trong khoảng 10 năm tới Việt Nam sẽ trở thành điểm thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh.

Bệnh viện Việt Đức triển khai hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính hiện đại nhất hiện nay

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Đề án "Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030".

Theo ông Khuê, đây là việc hết sức cần thiết và cấp bách bởi bác sĩ Việt Nam hiện đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới.

Trong khi đó, Việt Nam lại có thế mạnh là chi phí khám chữa bệnh thấp hơn các nước, cùng một kỹ thuật cao nhưng thực hiện tại các bệnh viện ở Việt Nam có giá rẻ hơn nhiều lần các nước tiên tiến, với chất lượng không thua kém.

Thực tế thời gian qua, đã cónhiều kiều bào ở nước ngoài, người nước ngoài vào Việt Nam khám chữa bệnh. Chỉ riêng năm 2018, các bệnh viện trong nước tiếp nhận 300.000 người là Việt kiều, người bệnh ở các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến khám bệnh, 57.000 người trong đó đã điều trị nội trú.

Kết quả khảo sát nhanh do Cục Quản lý Khám,chữa bệnh thực hiện tháng 8-2019 tại 329 bệnh viện cũng cho thấy, tổng số 6 tháng đầu năm 2019 có 88.983 lượt người nước ngoài khám bệnh và 10.170 người nước ngoài điều trị nội trú tại các bệnh viện các tuyến.

Tuy nhiên, hiện chưa có bệnh viện công lập nào của Việt Nam đạt chứng nhận chất lượng cấp quốc tế. Việc đánh giá chất lượng độc lập, công bố kết quả ở cấp độ quốc gia hoặc “gắn sao” cho bệnh viện chưa được triển khai. Do chưa có bệnh viện công lập đạt chứng nhận quốc tế nên người nước ngoài nếu khám chữa bệnh tại bệnh viện công lập không được các hãng bảo hiểm của nước ngoài chi trả.

Mặt khác, thẳng thắn nhìn nhận thì chất lượng dịch vụ của các bệnh viện ở nước ta nói chung hiện nay chưa tương xứng với chất lượng lâm sàng nên một bộ phận người có thu nhập cao không lựa chọn điều trị tại các bệnh viện trong nước mà ra nước ngoài điều trị.

Ước tính, khoảng 40.000 người ra nước ngoài điều trị với chi phí hơn 2 tỷ USD/năm. Điều này dẫn tới việc "chảy máu" ngoại tệ, người bệnh phải chịu chi phí điều trị, mất nhiều thời gian, tiền bạc, phiền hà....

Trước thực trạng đó, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, để giữ được người có thu nhập cao ở lại điều trị trong nước, đồng thời hút được người bệnh nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh, các giải pháp phải được triển khai một cách đồng bộ.

Vì thế, đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030" đặt mục tiêu: Nâng cao toàn diện chất lượng lâm sàng và chất lượng dịch vụ của một số bệnh viện.

Theo chỉ tiêu của đề án, đến năm 2030, tỷ lệ bệnh viện tuyến trung ương được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 95%; tỷ lệ tỉnh/thành phố có bệnh viện được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 80% và tỷ lệ người nước ngoài khám, chữa bệnh tại Việt Nam tăng trưởng hàng năm từ 1% trở lên.