Việt Nam minh bạch, không thao túng tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ là đúng đắn và khách quan, đồng thời điều đó cho thấy Mỹ đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam.

Mỹ xác nhận Việt Nam không thao túng tiền tệ

Bộ Tài chính Mỹ vừa ban hành báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”. Báo cáo đã tiếp tục xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính dựa trên cơ sở 3 tiêu chí: Thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.

Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ là đúng đắn và khách quan

Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ là đúng đắn và khách quan

Theo đó, 2 tiêu chí đầu tiên gồm thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ không được quá 15 tỷ USD và thặng dư cán cân vãng lai tương đương không vượt 3% GDP. Tiêu chí thứ ba dựa trên tổng lượng ngoại tệ mua ròng của ngân hàng trung ương (can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài) đối tác thương mại của Mỹ tính trong 12 tháng. Việt Nam là một trong 7 nền kinh tế (cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Singapore và Đức) nằm trong “danh sách giám sát” của Mỹ khi có 2 tiêu chí vượt ngưỡng, gồm thặng dư hàng hóa song phương và thặng dư cán cân vãng lai.

Trong trường hợp một nền kinh tế vượt ngưỡng hai trong 3 tiêu chí trên, Mỹ sẽ đưa đối tác thương mại này vào “danh sách giám sát”. Một khi nằm trong danh sách này, nền kinh tế đó cũng sẽ tiếp tục trong danh sách này ít nhất 2 kỳ báo cáo tiếp theo, để xác định sự cải thiện mang tính lâu dài. Việc Chính phủ Mỹ gắn mác “thao túng tiền tệ” cho một nền kinh tế sẽ dẫn đến khó khăn cho hoạt động kinh tế của đối tác (nhất là trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu), môi trường đầu tư kinh doanh của nền kinh tế đó sẽ bị kém hấp dẫn…

Trong báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” vừa ban hành, Bộ Tài chính Mỹ đã nhận xét tích cực với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam. Theo đó, tính đến cuối 2023, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam khoảng 5,8% GDP. Cán cân vãng lai gồm cán cân thương mại thể hiện chênh lệch kim ngạch xuất nhập khẩu; chênh lệch khoản thu chi dịch vụ từ nước ngoài; thu nhập ròng từ người lao động, nhà đầu tư từ nguồn nước ngoài.

Cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam trở lại thặng dư sau khi thâm hụt vào năm 2021 và 2022 do những hạn chế sản xuất giai đoạn Covid-19 đẩy giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao. Thặng dư thương mại hàng hóa song phương của Việt Nam với Mỹ đạt 103 tỷ USD vào vào cuối 2023. Theo Bộ Tài chính Mỹ, thặng dư thương mại song phương của Việt Nam với Mỹ tăng trong 5 năm qua, chủ yếu nhờ thương mại hàng hóa, dẫn đầu là điện tử và máy móc mặc dù mức tăng có sự chững lại. Việt Nam hiện là nước có thặng dư hàng hóa lớn thứ ba với Mỹ. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính tới cuối 2023 là 88,1 tỷ USD, chiếm 21% GDP. Báo cáo của Bộ Tài Chính Mỹ cho biết, Việt Nam đã mua ròng ngoại hối ở mức độ vừa phải vào đầu năm 2023 nhằm tái tích lũy dự trữ ngoại hối.

Cũng theo báo cáo, nhờ các cuộc thảo luận thông qua quy trình tăng cường cam kết, Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đạt được thỏa thuận vào tháng 7-2021 nhằm giải quyết những lo ngại của phía Mỹ về các thông lệ tiền tệ của Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định cam kết hiện đại hóa và nâng cao tính minh bạch của chính sách tiền tệ và khuôn khổ quản lý tỷ giá hối đoái, không sử dụng chính sách tỷ giá để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh.

Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, cơ quan này “hài lòng” với những tiến triển của Việt Nam trong việc hiện đại hóa và tăng tính minh bạch của chính sách tiền tệ và quản lý tỷ giá hối đoái. Do đó, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và xác nhận rằng, Việt Nam không thao túng tiền tệ.

Chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ của Việt Nam minh bạch

Vào tháng 12-2020, dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump, Bộ Tài chính Mỹ ban hành báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”, theo đó lần đầu tiên đưa Việt Nam và Thụy Sĩ vào danh sách thao túng tiền tệ. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành hữu quan của Việt Nam để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước. Việt Nam cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ, thực hiện nghiêm túc các cam kết cấp cao, thỏa thuận thương mại giữa hai nước cũng như các cam kết thương mại đa phương.

Trong báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” công bố vào các năm 2021, 2022, 2023 và năm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã đảo ngược quyết định hồi tháng 12-2020 dưới chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ. Bộ Tài chính Mỹ xác định, trong giai đoạn năm 2020, không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho rằng, Việt Nam thao túng tiền tệ theo quy định của Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.

Việc Mỹ kết luận Việt Nam không thao túng tiền tệ và đưa nước ta khỏi danh sách này là kết quả của việc trao đổi, làm việc của các cơ quan hữu trách của Việt Nam với phía Mỹ để phản ánh, chứng minh chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ của Việt Nam là minh bạch và không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Trong quá trình làm việc với Bộ Tài chính Mỹ thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trao đổi thẳng thắn trên tinh thần hợp tác, thiện chí từ cấp kỹ thuật tới cấp cao, khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua - trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Về cán cân vãng lai - gồm cán cân thương mại và các khoản chuyển tiền từ nước ngoài về, nhất là kiều hối - cũng cho thấy cán cân vãng lai của Việt Nam chủ yếu do nhận tiền kiều hối từ nước ngoài về. Đây là tiền mà người Việt Nam ở nước ngoài chuyển về trợ cấp cho thân nhân trong nước và tiền do người lao động Việt Nam ở nước ngoài chuyển về. Nói cách khác, kiều hối chuyển về Việt Nam là yếu tố khách quan, không phải do tỷ giá cao hay thấp. Do đó, tỷ giá không phải là yếu tố làm cán cân vãng lai thặng dư vượt quá tiêu chí Mỹ quy định mức 2% GDP.

Cùng với đó, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã áp dụng nhiều giải pháp để từng bước nâng cao tính linh hoạt của tỷ giá trong khi vẫn duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ. Những diễn biến tích cực trên thị trường ngoại tệ cũng như trong hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã được Bộ Tài chính Mỹ ghi nhận.

Trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam hồi tháng 9-2023 của Tổng thống Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phía Mỹ khẳng định đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng.