Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp cho những mục tiêu chung của Liên hợp quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thế giới đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay đối phó của cả nhân loại. Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp cho những mục tiêu chung mà Liên hợp quốc đề ra.

Thách thức trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững

Hưởng ứng sáng kiến của Tổng thống Cộng hòa Namibia Nangolo Mbumba và Thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức Olaf Scholz, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thông điệp ghi hình tới sự kiện Lời kêu gọi toàn cầu về Hội nghị Thượng đỉnh tương lai, được tổ chức trực tuyến ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh tương lai của Liên hợp quốc (LHQ), sẽ diễn ra trong các ngày 22 và 23-9. Sự kiện có sự tham dự của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Philemon Yang, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và gần 50 người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các quốc gia thành viên LHQ.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại sự kiện Lời kêu gọi toàn cầu về Hội nghị Thượng đỉnh tương lai

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại sự kiện Lời kêu gọi toàn cầu về Hội nghị Thượng đỉnh tương lai

Trong thông điệp tới sự kiện Lời kêu gọi toàn cầu về Hội nghị Thượng đỉnh tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn Hội nghị sẽ mang đến tư duy mới và cách làm mới cho tương lai thế giới và đề nghị tập trung thảo luận về các giải pháp mang tính chuyển đổi, bao gồm chuyển đổi về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và chuyển đổi quản trị toàn cầu.

Nhân loại đang đứng trước hàng loạt khó khăn và thách thức. Theo Tổng Thư ký LHQ Guterres, trong 2 năm qua, những xung đột mới đã xuất hiện và căng thẳng địa chính trị gia tăng hơn bao giờ hết, xuất phát từ sự cạnh tranh ngày càng lớn. Tình hình bạo lực, bất ổn, chia rẽ địa chính trị và xung đột ngày càng gay gắt đang đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế chỉ ra rằng trong năm 2023, trên thế giới chứng kiến 183 cuộc xung đột khu vực, con số cao kỷ lục trong 30 năm qua.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thông điệp tới sự kiện Lời kêu gọi toàn cầu về Hội nghị Thượng đỉnh tương lai

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thông điệp tới sự kiện Lời kêu gọi toàn cầu về Hội nghị Thượng đỉnh tương lai

Hiện xung đột không chỉ giữa Nga với Ukraine, giữa Israel với lực lượng Hamas ở Dải Gaza, mà còn có giữa Serbia với Kosovo, Armenia với Azerbaijan. Tại Syria, Yemen hay Lybya, vòng xoáy bạo lực vẫn chưa lắng dịu. Còn ở châu Phi, hàng loạt các cuộc đảo chính liên tiếp diễn ra trong những năm gần đây. Số nạn nhân thiệt mạng trong các vụ xung đột và bạo lực cũng tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy nhu cầu nhân đạo, ổn định và tái thiết ngày càng cấp bách ở nhiều nơi trên thế giới.

Đi liền với đó là tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước, suy thoái môi trường, khủng hoảng nhân đạo, chủ nghĩa khủng bố… Trong khi đó, dù đã đi gần hết nửa chặng đường theo tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), thế giới mới chỉ đạt được 14% kế hoạch. Hàng tỷ người trên khắp Trái đất vẫn đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, nhiều quốc gia đang phải chật vật với tình trạng kinh tế khó khăn.

Hơn lúc nào hết, thế giới cần chung tay nỗ lực phối hợp hành động. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ (tháng 6-2020), các nước thành viên LHQ đã thông qua tuyên bố, trong đó đề nghị Tổng Thư ký LHQ đề ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những thách thức hiện tại và trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, tháng 9-2021, Tổng Thư ký LHQ đã ra Báo cáo “Chương trình nghị sự chung của chúng ta” nhằm kêu gọi đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Một trong những đề xuất quan trọng nhất của Báo cáo là việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tương lai nhằm thống nhất các biện pháp để thực hiện các cam kết đã đưa ra. Đại hội đồng LHQ đã nhất trí tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trong các ngày 22 và 23-9-2024 và có Hội nghị trù bị cấp Bộ trưởng vào tháng 9-2023. Với chủ đề “Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt đẹp hơn”, Hội nghị được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và các mục tiêu khí hậu, thống nhất các giải pháp cho các thách thức toàn cầu, củng cố quản trị toàn cầu. Hội nghị dự kiến sẽ thông qua các văn kiện định hướng hoạt động của hệ thống LHQ.

Tư duy mới và cách làm mới cho tương lai thế giới

Là sự kiện đa phương quan trọng hàng đầu của LHQ trong năm 2024, Hội nghị Thượng đỉnh tương lai không chỉ là cơ hội, mà còn có ý nghĩa như công cụ quan trọng để giảm thiểu rủi ro và tạo ra thế giới an toàn và hòa bình hơn. Theo Tổng Thư ký LHQ Guterres, các thể chế hiện nay không thể theo kịp những mối đe dọa vì chúng “được thiết kế cho một kỷ nguyên và thế giới khác” khi Hội đồng bảo an và các thể chế kinh tế quốc tế “đã lỗi thời và không hiệu quả”. Do đó, Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các quốc gia thành viên “nhanh chóng hành động” với tầm nhìn, tình đoàn kết và tinh thần thỏa hiệp để sớm thống nhất được 3 dự thảo thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh tương lai sắp tới.

Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của LHQ, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp cho những mục tiêu chung mà LHQ đề ra. Trong thông điệp gửi tới sự kiện Lời kêu gọi toàn cầu về Hội nghị Thượng đỉnh tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh hội nghị là cơ hội để LHQ và chủ nghĩa đa phương khẳng định những giá trị không thể thay thế trước những thách thức to lớn của thời đại. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào Hội nghị và những nỗ lực chung nhằm củng cố hòa bình, hợp tác và đoàn kết quốc tế, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam sẽ không ngừng phấn đấu để mọi người dân được hưởng thụ đầy đủ những thành quả của công cuộc phát triển và chuẩn bị sẵn sàng cho thế hệ tương lai.

Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận và thống nhất các giải pháp mang tính chuyển đổi. Trước hết, cần có chuyển đổi về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó LHQ giữ vai trò dẫn dắt, thiết lập khung pháp lý chia sẻ thông tin, hỗ trợ các quốc gia phát triển công nghệ mới và tiên phong như công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa… một cách an toàn. Những thành tựu mới nhất của khoa học, công nghệ cần phải đến được với mọi quốc gia theo hướng công bằng, hữu ích và bao trùm.

Liên quan đến sự phát triển bền vững của thế giới gắn liền với chuyển đổi xanh, đặc biệt là công nghệ xanh, năng lượng xanh và tài chính xanh. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề xuất nghiên cứu thiết lập một diễn đàn công nghệ xanh toàn cầu để ASEAN và các tổ chức khu vực khác cùng chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy công nghệ xanh.

Tiếp đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng thế giới cần thúc đẩy chuyển đổi quản trị toàn cầu, trong đó tập trung vào cải tổ LHQ và các thể chế tài chính đa phương để có thể ứng phó hiệu quả với những thách thức hiện tại và tương lai, huy động tốt hơn nguồn lực hỗ trợ các quốc gia đang phát triển. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kỳ vọng Hội nghị lịch sử này sẽ mang đến tư duy mới và cách làm mới cho tương lai thế giới. Đây sẽ là cơ hội để LHQ và chủ nghĩa đa phương khẳng định những giá trị không thể thay thế, trước những thách thức to lớn của thời đại.