Việt Nam lên kế hoạch ghép đầu người

ANTĐ - Việt Nam sẽ theo dõi diễn biến ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới (dự kiến thực hiện vào năm 2017) và nếu ca ghép này thành công, Việt Nam sẵn sàng mời các chuyên gia đến chuyển giao kỹ thuật. Đây là thông tin được GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ với báo chí sáng 12-1.

Việt Nam lên kế hoạch ghép đầu người ảnh 1Các bác sĩ đang thực hiện một ca ghép tạng

Sẵn sàng tuyển chọn người cho - nhận đầu

Cụ thể, Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, trên thế giới, một bác sĩ hàng đầu người Italia đã công bố trong năm 2017 sẽ thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Anh Valery Spiridonov (người Nga, 30 tuổi) - một bệnh nhân mắc chứng bệnh teo cơ tủy sống hiếm gặp và hiện chưa có phương pháp điều trị - đã tình nguyện tham gia ca ghép đầu người đầu tiên này.

Ê kíp dự kiến sẽ thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên gồm 150 người đã được đào tạo kỹ trong 2 năm, thời gian thực hiện ca phẫu thuật dự kiến trong 2 ngày. Hiện tại, kỹ thuật ghép đầu đã được thực hiện thử nghiệm trên khoảng 1.000 con chuột, sau khi được cấy ghép đầu những con chuột này có thể thở, nhìn thấy và uống nước nhưng chỉ sống được vài phút. 

Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, quy trình phẫu thuật ghép đầu người khó và phức tạp bởi những phẫu thuật viên phải làm cho não cung cấp được ôxy gồm: đầu làm lạnh, cắt đầu của người hiến bằng lưỡi dao kim cương, bảo vệ đầu bằng bơm ôxy liên tục lên não qua ống silicone; cắt đầu người nhận trên thân não để tim vẫn đập và nuôi cơ thể. Khi bắt đầu ghép thì nối dây thần kinh tủy sống, kết nối cột sống, nối mạch máu, cơ, da… sau đó theo dõi và chăm sóc sau ghép.

“Tại Việt Nam, chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ diễn biến ca ghép đầu người nói trên và đang trong quá trình kế hoạch chuẩn bị người nhận, người cho đầu, nhân lực kỹ thuật, sẵn sàng lập đề án về ghép đầu người. Xin nhấn mạnh là hiện tại Việt Nam chưa có đề án thực hiện việc ghép đầu người nhưng đã chuẩn bị sẵn sàng tuyển chọn người cho, người nhận đầu. Nếu ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới thành công thì khi đó nếu có nhu cầu, chúng ta sẵn sàng liên hệ để mời các chuyên gia ghép đầu người trên thế giới nói trên đến Việt Nam hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật này” - GS.TS Trịnh Hồng Sơn nói.

Đảm bảo yếu tố công bằng

Cũng theo Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, việc Việt Nam sẵn sàng lên kế hoạch ghép đầu người vì kỹ thuật này đảm bảo yếu tố công bằng là người cho cũng là người nhận và người nhận cũng là người cho. Kỹ thuật này sẽ giúp ích cho những bệnh nhân có bộ não nguyên vẹn nhưng cơ thể bị tổn thương (chết não, ung thư…); người chết não. Được biết, hiện hầu hết các kỹ thuật ghép tạng khó của thế giới, Việt Nam đều đã thực hiện được với kinh phí thậm chí còn rẻ hơn nhiều lần, tuy nhiên khó khăn lớn nhất vẫn là khan hiếm nguồn tạng hiến. 

Tính đến hết năm 2015, tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã có 2.348 người gửi đơn đăng ký hiến tạng khi qua đời, tính chung trên cả nước là 3.542 đơn đăng ký. Đa số người đăng ký hiến tạng trong độ tuổi từ 18-27 tuổi (chiếm 76,6%), tỷ lệ nam giới đăng ký hiến tạng nhiều hơn nữ (nam chiếm 57,9%, nữ chiếm 42,1%), số người đã được cấp thẻ đăng ký hiến tạng chiếm 14% trong tổng số người đăng ký. Tính đến hết 30-9-2015, Việt Nam đã thực hiện tổng cộng 1.179 ca ghép tạng, trong đó số ca ghép thận là 1.116 ca (chiếm 94,6%), ghép tim được 13 ca, ghép gan được 48 ca, ghép thận + tụy 1 ca, ghép tim + phổi 1 ca. 

Cũng liên quan đến vấn đề này, gần đây xuất hiện nhiều thông tin mạo danh địa chỉ hiến tạng tràn lan trên mạng internet khiến người dân không tìm đến được địa chỉ chính xác. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia khẳng định, hiện nay cả nước chỉ có 2 cơ sở ghi nhận đăng ký hiến tạng và cấp thẻ đăng ký hiến tạng được đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).