Việt Nam-Lào nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình ở Biển Đông

ANTD.VN - Nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức nước CHDCND Lào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 24 đến ngày 26-11, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Lào.

Việt Nam-Lào nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình ở Biển Đông ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounhang Volachith đến thăm Trường Đại học Quốc gia Lào

Tuyên bố chung nêu rõ, hai bên khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong cùng các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, là quy luật tồn tại và phát triển của mỗi nước.

Hai bên nhất trí tăng cường quan hệ chính trị; duy trì các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào năm 2017; tiếp tục phối hợp triển khai xây dựng một số công trình và tôn tạo các di tích lịch sử về quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào ở mỗi nước.

Hai bên nhất trí phối hợp phát huy có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước; thực hiện tốt các Thỏa thuận cấp cao, Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ và các chương trình, kế hoạch hợp tác giữa các bộ, ban, ngành và các địa phương hai nước, trong đó ưu tiên cho việc kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối về thể chế, hạ tầng giao thông, năng lượng, du lịch và sử dụng hiệu quả các cảng biển của Việt Nam. Đồng thời, có các biện pháp cụ thể để bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào, tăng kim ngạch thương mại hai chiều, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn viện trợ của Việt Nam dành cho Lào; nâng cao chất lượng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. 

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh nhằm giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở mỗi nước; thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác về quốc phòng, an ninh; tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, xây dựng đường biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững; tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả Thỏa thuận cấp Chính phủ về giải quyết người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước; phối hợp chặt chẽ ngăn chặn và phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, nhất là buôn lậu và vận chuyển ma túy; tiếp tục nỗ lực phối hợp tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào.

Hai bên nhất trí chia sẻ thông tin kịp thời và phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là Liên Hợp Quốc, ASEAN và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng góp phần giữ vững môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước, các tổ chức quốc tế có liên quan để quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mekong trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân các nước trong lưu vực sông Mekong; tăng cường phối hợp với Campuchia thực hiện có kết quả các nội dung thỏa thuận giữa ba Thủ tướng của ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam về Tam giác phát triển.

Hai bên tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở Biển Đông; nhất trí thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982); cùng các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) góp phần giữ gìn hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.