Việt Nam không “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để tăng trưởng kinh tế đơn thuần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giải quyết hài hòa và hiệu quả mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường là một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong quá trình đổi mới được thế giới ghi nhận và đánh giá tích cực.
Phát triển kinh tế là cơ sở vật chất để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội

Phát triển kinh tế là cơ sở vật chất để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội

Khẳng định tính nhân văn của chế độ ở Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị về tác động của phát triển bền vững năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tổ chức tại New York (Mỹ), Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh thông điệp thương mại quốc tế không chỉ phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế thuần túy mà còn cần bảo đảm tính bền vững về môi trường và lợi ích bao trùm cho tất cả mọi người.

Từ góc nhìn của Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở hơn 200%, đã tham gia 15 FTA song phương và đa phương, bao gồm cả các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định bài học kinh nghiệm quan trọng mà Việt Nam rút ra là không “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Nếu tăng trưởng kinh tế là điều kiện và tiền đề thì tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường là kết quả, động lực và mục tiêu của quá trình tăng trưởng, tiến bộ, phát triển. Nói cách khác, công bằng xã hội đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, là nhân tố bảo đảm ổn định và lành mạnh xã hội, môi trường, là động lực đồng thời là mục tiêu của đổi mới để phát triển đúng định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Công bằng xã hội còn thể hiện bản chất của XHCN, là một trong những giá trị mà sự nghiệp đổi mới và xây dựng XHCN của chúng ta hướng tới.

Thực tế hơn 35 năm Đổi mới là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã giải quyết thành công mối quan hệ hữu cơ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế Việt Nam đã phát triển liên tục với tốc độ cao trung bình khoảng 7% trong suốt 35 năm qua. Từ năm 2008, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2021 đạt 368 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực, mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới.

Phát triển kinh tế đã giúp cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Tỉ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước). Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Đời sống văn hóa cũng được cải thiện đáng kể; sinh hoạt văn hóa phát triển phong phú, đa dạng. Hiện, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu thiên niên kỷ.

Đặc biệt, những kết quả, thành tích đặc biệt mà Việt Nam đạt được trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ đầu năm 2020 được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN ở nước ta. Cùng với những thành tựu đổi mới, nó chứng minh rằng phát triển theo định hướng XHCN không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Điều này cũng chính là khẳng định về tính nhân văn của chế độ ta: song hành với tiến trình hồi phục, phát triển kinh tế phải là công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển

Văn kiện Đại hội XIII xác định: “Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội. Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa”.

Đề cập đến những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo cần thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Muốn vậy, trước hết cần phải thực hiện tốt quan điểm kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Chúng ta không chờ kinh tế đạt đến trình độ phát triển cao mới thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; càng không hy sinh văn hóa, hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn.

Để có thể giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, điều quan trọng là phải kiên trì lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm. Bởi vì của cải vật chất xã hội phong phú là cơ sở vật chất thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Chỉ có nỗ lực phát triển sức sản xuất, sáng tạo ra của cải vật chất ngày càng phong phú, mới có khả năng đáp ứng và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tiếp đó là hoàn thiện chế độ phân phối thu nhập, quy phạm trật tự phân phối thu nhập; tích cực hoàn thiện chế độ tài chính công, thiết lập hệ thống phúc lợi hợp lý, chú ý thích đáng đến công tác xóa đói, giảm nghèo đa chiều bền vững, đầu tư hiệu quả cho y tế, giáo dục, văn hoá, bảo đảm công ăn việc làm cho nhân dân, xây dựng môi trường sinh thái lành mạnh, an toàn. Bảo đảm và cải thiện an sinh xã hội, hoàn thiện chế độ bảo đảm xã hội, kiện toàn hệ thống bảo đảm công bằng phúc lợi xã hội. Từng bước hình thành hệ thống an sinh xã hội, lấy công bằng quyền lợi, công bằng cơ hội, công bằng phân phối là nội dung chủ yếu, làm cho toàn thể nhân dân được hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.

Đi kèm với đó là hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường đã góp phần giải phóng các tiềm năng kinh tế, làm năng động hóa nền sản xuất, tạo điều kiện phát triển cho các thành phần kinh tế xã hội, đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, kinh tế thị trường cũng dẫn đến sự phân hoá xã hội sâu sắc, hiện tượng suy thoái đạo đức lối sống lan rộng, làm biến dạng nhiều giá trị dẫn đến đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc. Điều đó đòi hỏi chúng ta vừa biết phát huy cao nhất tác động tích cực và hạn chế hiệu quả ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường, duy trì sự ổn định và phát triển xã hội.