Vận động ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc:

Việt Nam kết hợp nhuần nhuyễn ngoại giao song phương và đa phương

ANTD.VN - Cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đều có mặt tại New York (Mỹ) tuần này, đồng thời có nhiều hoạt động liên quan Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 73. Cả 2 vị Ủy viên Bộ Chính trị đều đã để lại dấu ấn ngoại giao và một hình ảnh Việt Nam năng động, thể hiện trách nhiệm, uy tín trong cộng đồng quốc tế, trong quá trình vận động ứng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Việt Nam kết hợp nhuần nhuyễn ngoại giao song phương và đa phương ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 73

Khát vọng hòa bình, tự do và thịnh vượng

Khẳng định rằng hòa bình, tự do và thịnh vượng luôn là mong mỏi, khát vọng của mọi dân tộc, Thủ tướng kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ “phải biết chắt chiu, nắm lấy từng cơ hội dù nhỏ nhoi cho hòa bình”. Từ quá khứ đấu tranh gian khổ, lâu dài giành độc lập, tự do, Việt Nam thấu hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình, quyền bình đẳng, “quyền dân tộc tự quyết”, “quyền mưu cầu hạnh phúc” và các giá trị dân chủ của Hiến chương Liên hợp quốc. 

Trước cử tọa Đại hội đồng LHQ khóa 73, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tiếng nói của một nước nhỏ hay khát vọng của những người yếu thế cần phải được tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ. Đó là nền tảng cho phát triển bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau, là cơ sở của ổn định xã hội cũng như bảo đảm quyền và phát huy sức sáng tạo của mỗi người. 

Bởi vậy, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày nay Liên hợp quốc cần cải cách mạnh mẽ, toàn diện theo hướng nâng cao hiệu quả, dân chủ và minh bạch để thực hiện tốt vai trò không thể thay thế được trong lãnh đạo xử lý các thách thức toàn cầu. Như phát biểu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Phiên khai mạc đã nhắc lại lời của cố Tổng Thư ký Kofi Annan kính mến: “Chúng ta chỉ có thể làm chủ số phận của mình khi nào chúng ta cùng nhau đối diện với nó. Đó là lý do tại sao chúng ta có LHQ”. Đó cũng là lý do vì sao, sau khi tuyên ngôn thành lập nước ngày 2-9-1945, tháng 1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam, đã gửi đơn gia nhập LHQ.

Chúng ta muốn một Liên hợp quốc như thế nào? 

Thủ tướng Việt Nam đã nêu ra một câu hỏi, một mệnh đề khi ông phát biểu ở Phiên thảo luận cấp cao. Ông nói: “Và lúc này, tôi muốn cùng quý vị đặt ra câu hỏi: Chúng ta muốn một Liên hợp quốc như thế nào? Trả lời câu hỏi này, tôi đánh giá cao những đề xuất cải tổ của Ngài Tổng Thư ký LHQ, nhất là: Tái định vị hệ thống phát triển LHQ”.

“Tôi cũng đề nghị LHQ tăng cường hợp tác với các khu vực, trong đó có đẩy mạnh Cơ chế hợp tác thượng đỉnh LHQ và ASEAN theo hướng: tăng nội hàm của LHQ trong ASEAN và làm đậm nét nội hàm ASEAN trong LHQ”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên đề xuất cụ thể có sự liên quan nội hàm hợp tác đa phương cấp độ toàn cầu của LHQ với khu vực năng động như ASEAN. Có lẽ, ông nêu đề xuất như vậy là bởi vì, việc Việt Nam ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, đã có tính toán kỹ lưỡng về thời điểm với sự tương hỗ hợp lý, thiết thực cho cả LHQ, ASEAN và các quốc gia thành viên. 

Nếu được cộng đồng quốc tế tín nhiệm giao trọng trách ở Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, thì cũng trùng khớp với thời điểm Việt Nam sẽ bắt đầu đảm nhiệm quốc gia giữ vai trò Chủ tịch ASEAN luân phiên vào năm 2020. Khi đó, những đóng góp của Việt Nam đối với LHQ, ASEAN và sự phối hợp giữa 2 thực thể chính trị này sẽ đem lại lợi ích lớn cho cả cộng đồng quốc tế, cũng như cho các quốc gia thành viên.

Khẳng định sự tự hào là một thành viên tích cực của LHQ, Thủ tướng Việt Nam nêu bật mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào việc xây dựng các thể chế đa phương và thực hiện những trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế; trong đó có hoạt động Việt Nam cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan.

Việt Nam đã ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Tại diễn đàn Hội đồng Bảo an LHQ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói lời chân thành cảm ơn 53 nước châu Á - Thái Bình Dương đã nhất trí đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Nhóm và cảm ơn sự ủng hộ rộng rãi của các nước khác dành cho Việt Nam. Cũng tại diễn đàn trọng thể này, ông thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đã trân trọng đề nghị và mong muốn nhận được sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên. Ông nói: “Việt Nam cam kết sẽ luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và LHQ”.

Việt Nam kết hợp nhuần nhuyễn ngoại giao song phương và đa phương ảnh 2Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Ngoại trưởng El Salvador Hugo Martinez tại New York

Vận động ứng cử: Nét mới và sự chủ động chưa từng có

Trong tuần này, vận động ứng cử là một nét mới, nổi bật chưa từng có trong ngoại giao đa phương của Việt Nam ở New York - nơi đặt trụ sở LHQ. Cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng   Phạm Bình Minh đều có lịch tiếp xúc song phương, đa phương dày đặc. Marathon ngoại giao ở New York đã góp phần thuyết phục cộng đồng quốc tế tin tưởng giao trọng trách, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đề nghị của Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong quá trình ứng cử. So với lần ứng cử trước vào Hội đồng Bảo an LHQ, lần này Việt Nam thể hiện sự chủ động chưa từng có và mạnh mẽ hơn, sôi động hơn giữa bối cảnh tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng. 

Có những cuộc tiếp xúc ngoại giao, phía bạn ủng hộ Việt Nam ngay từ đầu. Chẳng hạn như, tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Ngoại trưởng El Salvador, thì Ngoại trưởng El Salvador đã chủ động trao ngay từ đầu Công hàm ngoại giao  khẳng định ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Điều đó thể hiện sự trân trọng đáng quý, sự tín nhiệm tích cực của nước bạn đối với Việt Nam.

Đáng chú ý nhất là sự kiện Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì cuộc gặp tại New York để vận động các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Buổi vận động ứng cử này có sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo cấp cao, Bộ trưởng Ngoại giao và Đại sứ, Đại diện các nước thành viên LHQ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc ứng cử vào Hội đồng Bảo an thể hiện đường lối đối ngoại hoà bình, độc lập, tự chủ cũng như mong muốn của Việt Nam được đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng khẳng định, nếu trúng cử, Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác nhằm phòng ngừa xung đột, giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế, bảo vệ thường dân trong xung đột và xử lý hậu quả chiến tranh để xây dựng một nền hòa bình bền vững, đồng thời, tăng cường hợp tác giữa Hội đồng Bảo an LHQ với các tổ chức khu vực. Trong trao đổi tại cuộc gặp, các nước đều bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và sẽ có những đóng góp tích cực đối với các công việc chung của LHQ cũng như của cộng đồng quốc tế.

Có thể nói, hoạt động vận động ứng cử của các nhà ngoại giao hàng đầu Việt Nam đã thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn ngoại giao song phương với ngoại giao đa phương. Qua đó,Việt Nam thể hiện hình ảnh mới, vai trò mới, sẵn sàng đảm nhiệm trọng trách mới trong cộng đồng quốc tế. Tin tưởng rằng, với sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ hoàn thành trọng trách của một thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, đóng góp vào bảo đảm hòa bình, an ninh ở khu vực và trên thế giới.