Việt Nam - Hoa Kỳ: Thời cơ để viết tiếp "kỳ tích"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 12-7-2020, Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ. Từ đối thủ trong chiến tranh, giờ đây hai nước là đối tác toàn diện, bạn hàng hàng đầu của nhau trong thời bình.

Việt Nam - Hoa Kỳ: Thời cơ để viết tiếp "kỳ tích" ảnh 1Hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ

Điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước

Mới ¼ thế kỷ mà quan hệ Việt - Hoa Kỳ đã có những chuyển biến khiến ngay các nhà ngoại giao cũng cảm thấy bất ngờ. Từ những bước đi dò dẫm đầu tiên để xây dựng lòng tin là giải quyết những di sản chiến tranh liên quan đến quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam (MIA), những vật cản trong quan hệ hai nước từng bước được khai thông. Nhờ những nỗ lực nhân đạo của Việt Nam, kể từ năm 1985, khi Việt Nam và Hoa Kỳ tổ chức hoạt động hiện trường đầu tiên theo chương trình MIA, tính đến tháng 6-2019, 727 hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam đã được tìm thấy và trao trả cho phía Hoa Kỳ. 

Ngày 12-7-1995, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Ngày 13-7-2000 tại Washington (Hoa Kỳ), Hiệp định thương mại Việt - Hoa Kỳ (BTA) được ký kết và chính thức có hiệu lực từ ngày10-12-2001. Tháng 12-2006, Tổng thống Hoa Kỳ George Walker Bush quyết định trao cho Việt Nam Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) và Quy chế tối huệ quốc (MFN).

Khi những rào cản không còn, trao đổi thương mại Việt - Hoa Kỳ tăng với tốc độ chóng mặt, trở thành một điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước. Nhờ mức thuế quan trung bình đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam giảm từ 40% xuống 4%, kim ngạch thương mại Việt - Hoa Kỳ đã tăng từ 450 triệu USD năm 1995 (thời điểm bình thường hóa), lên 75,72 tỷ USD năm 2019. Giờ đây, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. 

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng thay đổi đáng kể, theo hướng tăng dần nhóm hàng chế biến, chế tạo, từng bước nâng cao giá trị gia tăng. Trước kia, xuất khẩu chủ yếu là nhóm hàng dệt may, da giày, thì hiện nay, trong 5 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất sang Hoa Kỳ, ngoài dệt may và giày dép còn có điện thoại và linh kiện, máy tính và sản phẩm điện tử, đồ gỗ.

Việt Nam cũng gia tăng nhanh chóng vị thế là nhà cung cấp hàng đầu trong khu vực ASEAN với Hoa Kỳ. Từ một nước thành viên ASEAN có kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ thuộc loại ít nhất, năm 2014 Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, chiếm 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu ASEAN vào Hoa Kỳ, vượt Malaysia (19,8%) Thái Lan (14,7%), Indonesia (12,5%), Singapore (9,5%). Không chỉ tăng về khối lượng, hàng hóa chất lượng và giá trị gia tăng cao của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ ngày một nhiều hơn.

Tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại 

Quan hệ đối tác toàn diện Việt - Hoa Kỳ trên đà phát triển thuận lợi đang tạo điều kiện để hai nước tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại. Tuy nhiên, để đà tăng trưởng này bền vững, hai bên tiếp tục phải vượt qua những rào cản mới xuất hiện. Tháng 4 vừa rồi, Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) công bố Báo cáo thường niên năm 2020 về các rào cản thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và thương mại điện tử của Hoa Kỳ, trong đó dành tới 11 trang đề cập quan hệ kinh tế với Việt Nam. Một trong những điểm mà USTR lưu ý là việc Hoa Kỳ thâm hụt thương mại hàng hóa 55,8 tỷ USD trong năm 2019 với Việt Nam, tăng 41,3% so với năm 2018.

Đề cập đến vấn đề này, ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, nhấn mạnh: “Khi mà ngày càng có nhiều ngành công nghiệp được chuyển tới Việt Nam, vì Việt Nam có môi trường kinh doanh tốt, thì lẽ tự nhiên là xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ còn tăng”. Tuy nhiên, ông David Stilwell cho biết chính quyền Hoa Kỳ vẫn chủ trương thu hẹp thâm hụt thương mại với Việt Nam. 

Để tránh những vụ kiện thương mại từ phía Hoa Kỳ, trao đổi thương mại giữa hai bên phải bảo đảm cân bằng hợp lý. Sau phiên họp Hội đồng thương mại đầu tư Việt - Hoa Kỳ tại thủ đô Washington D.C của Hoa Kỳ tháng 10-2019, Việt Nam đã lần đầu tiên xây dựng một kế hoạch hành động toàn diện để phát triển quan hệ thương mại Việt - Hoa Kỳ một cách cân bằng và bền vững hơn. Song song với việc nâng cao giá trị xuất khẩu, Việt Nam sẽ nhập khẩu nhiều hơn từ Hoa Kỳ, nhất là các nhóm hàng Hoa Kỳ có thế mạnh, như: năng lượng, nông sản, dược phẩm, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và đời sống người dân.

Việt Nam cũng đang đứng trước thời cơ tham gia sâu rộng thêm vào chuỗi cung ứng toàn cầu thời hậu Covid-19 với sự hợp tác của Hoa Kỳ. Đại dịch Covid-19 cho thấy sự lệ thuộc của Hoa Kỳ vào nguồn cung ứng tại Trung Quốc. Khi các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa, thị trường Hoa Kỳ lao đao, nhất là hàng dược phẩm. Đây có lẽ là lý do khiến Hoa Kỳ thúc đẩy các sáng kiến rút bớt chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc để đa dạng hoá nguồn cung và giảm thiểu rủi ro. 

Theo hướng này, tháng 5-2020, Việt Nam được mời tham gia thảo luận cùng nhóm “bộ tứ mở rộng” (Quad Plus) để tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. “Bộ tứ kim cương” - Nhóm Quad ra đời năm 2007 với 4 quốc gia thành viên là Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ với mục đích thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương, trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Tham gia trao đổi trong nhóm “Bộ tứ mở rộng”, ngoài các thành viên Quad còn có Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand. 

Theo hãng tin Reuters (Anh), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo khẳng định, Chính phủ Hoa Kỳ đang làm việc với Australia, Ấn Độ, Nhật, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam nhằm “thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tiến lên phía trước”, nội dung thảo luận là “tái cấu trúc các chuỗi cung ứng như thế nào để ngăn chặn những điều tương tự (sự gián đoạn do đại dịch Covid-19) lặp lại”.

Đánh giá về cơ hội này, trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5-2020, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn cho làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc sau khi Việt Nam đã làm được những điều khác biệt, thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và duy trì được những thành tích trên phương diện kinh tế đối ngoại, giữ tương đối vững kim ngạch xuất khẩu, FDI khá cao.

Đó cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ, mối quan hệ có nhiều điểm mà dư luận đánh giá là “kỳ tích”  trong 25 năm qua.