Việt Nam góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh thế giới

ANTĐ - Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà - Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu đưa ra tại buổi công bố kết quả Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21). 
Việt Nam góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh thế giới ảnh 1

“Việt Nam sẽ thực hiện giảm phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế”, đại diện đoàn đàm phán cho biết thêm.

Ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và biến đổi khí hậu - Phó Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam cho biết, trong 2 tuần đàm phán căng thẳng, các phiên họp thường kéo dài suốt đêm, nhất là trong giai đoạn nước rút.

 

Việc thông qua Thỏa thuận Paris là một bước đột phá sau những nỗ lực của Liên hợp quốc suốt hơn hai thập kỷ qua nhằm thuyết phục chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế việc gia tăng nhiệt độ của Trái đất.

Thỏa thuận này đặt ra mức tăng nhiệt độ của Trái đất đến năm 2100 thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2 độ C và cố gắng tiến tới ngưỡng thấp hơn 1,5 độ C. Thỏa thuận cũng đề ra cơ chế để mỗi nước tự nguyện rà soát, theo đó, từ năm 2023, cứ 5 năm/lần, Liên hợp quốc sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả tổng hợp về các nỗ lực chống biến đổi khí hậu của các nước.

Đối với Việt Nam, một trong những quốc gia bị tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu, theo đánh giá ban đầu, thỏa thuận đã đề cập đến các vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.