Việt Nam đủ khả năng tích hợp tên lửa chống hạm cho tàu Hamilton?

ANTD.VN - Việt Nam hiện đã tiếp nhận chiếc tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton đầu tiên do Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ bàn giao.

Như đã biết, tàu tuần tra cỡ lớn USCGC Morgenthau (WHEC 722) thuộc lớp Hamilton đã về tới Cảng Vũng Tàu vào cuối tháng 12-2017 vừa qua và gia nhập đội tàu của Vùng Cảnh sát biển 3 dưới số hiệu mới là CSB 8020.

Chiếc CSB 8020 sau khi bàn giao thì chỉ còn được vũ trang duy nhất bằng khẩu pháo Oto Breda cỡ 76,2 mm, tổ hợp phòng thủ tầm cực gần Phalanx CIWS đã bị tháo bỏ cùng radar trinh sát đường không và pháo tự động Mk 38.

Tuy nhiên cần nhắc lại rằng do được đóng trong thời kỳ chiến tranh Lạnh mà các tàu Hamilton được thiết kế với khả năng tích hợp vũ khí như tên lửa hành trình chống hạm RGM-84 Harpoon để trở thành lực lượng dự bị cho Hải quân Hoa Kỳ trong trường hợp cần thiết.

Tàu tuần tra USCGC Mellon (WHEC-717) lớp Hamilton bắn thử nghiệm tên lửa chống hạm Harpoon

Tàu tuần tra USCGC Mellon (WHEC-717) lớp Hamilton bắn thử nghiệm tên lửa chống hạm Harpoon

Vấn đề được quan tâm hiện nay đó là nếu có nhu cầu hoán cải thì Việt Nam có đủ khả năng làm điều tương tự, tức là tích hợp thêm tên lửa hành trình chống hạm cho con tàu tuần tra này. Để trả lời câu hỏi thì trước tiên hãy nhìn lại một trường hợp tương tự trong quá khứ.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ Tư lệnh Hải quân có chủ trương nghiên cứu cải tiến đưa lên lửa P-15 lắp xuống tàu HQ-01 nguyên là khu trục hạm HQ-15 Phạm Ngũ Lão của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Chịu trách nhiệm là Đơn vị 173.

Năm 1976, đơn vị bắt đầu đưa toàn bộ hệ thống chỉ huy, bệ tên lửa xuống tàu, lắp thêm 1 bộ radar SPS-53 của Mỹ trên mặt boong chính để lấy số liệu phần tử bắn. Ngoài ra tàu còn được mở rộng một phòng trên boong trung tâm để đặt thiết bị điều khiển, tăng cường gia cố khung xương và mặt boong tàu...

Cuối năm 1977 thì công việc thi công hoàn chỉnh. Đến ngày 30 Tết âm lịch Mậu Ngọ 1978, Bộ Tư lệnh tổ chức bắn thử nghiệm vào đảo Hòn Tý, một đảo nhỏ trong quần đảo Phú Quý.

Kết quả sau khi tên lửa được bắn đi, đạn đã trúng mục tiêu. Tư lệnh Giáp Văn Cương đánh giá cao kết quả quá trình nghiên cứu cải tiến tên lửa P-15 đạt hiệu quả tốt và tặng bằng khen cho các đồng chí cán bộ, kỹ sư tham gia thực hiện đề án này.

Chiến hạm HQ-01 khi còn là HQ-15 của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa

Chiến hạm HQ-01 khi còn là HQ-15 của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa

Như vậy ngay trong quá khứ thì việc tích hợp tên lửa chống hạm cho tàu pháo của Mỹ đã không phải là việc làm khó khăn đối với ngành kỹ thuật hải quân của Việt Nam.

Ngày nay, công nghiệp quốc phòng trong nước còn tự chủ hoàn toàn việc đóng mới tàu tên lửa Molniya 1241.8 trong đó có công đoạn trang bị vũ khí cho nó, bao gồm cả đạn chống hạm 3M-24 Uran-E.

Khi cần thiết, chúng ta có thể tích hợp radar điều khiển hỏa lực Garpun-Bal lên đỉnh một ngọn tháp radar của tàu CSB 8020 vẫn đang để trống, vị trí trước cabin chỉ huy sẽ là nơi bố trí các ống phóng KT-184 của tên lửa Uran-E, việc làm này theo đánh giá là tương đối dễ tiến hành.

Tóm lại, sau khi đánh giá qua một số kinh nghiệm thu được trong quá khứ lẫn hiện tại thì việc trang bị hỏa lực mạnh cho tàu tuần tra CSB 8020 lớp Hamilton là nằm trong tầm tay của Hải quân nhân dân Việt Nam.