Việt Nam đóng góp tích cực thúc đẩy quyền con người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với những đóng góp tích cực, hiệu quả, trách nhiệm trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã ghi những dấu ấn nổi bật, được ghi nhận trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở trong nước cũng như trên thế giới.

Đánh giá cao các dấu ấn, sáng kiến của Việt Nam

Tại buổi tiếp Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền Phát triển Surya Deva đang thăm làm việc tại Việt Nam từ ngày 6 đến 15-11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt hoan nghênh và đánh giá cao Báo cáo viên đặc biệt đã đề xuất Việt Nam là quốc gia để đến thăm đầu tiên sau khi được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc bổ nhiệm. Trong chuyến thăm Việt Nam, Báo cáo viên đặc biệt Surya Deva có các cuộc làm việc với nhiều cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, đi thăm một số địa phương để trao đổi với lãnh đạo địa phương và thăm một số dự án, cơ sở kinh tế - xã hội để tìm hiểu về thành tựu, thách thức, ưu tiên và nhu cầu hợp tác của Việt Nam trong lĩnh vực quyền phát triển.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt (bên phải) tiếp Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền Phát triển Surya Deva

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt (bên phải) tiếp Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền Phát triển Surya Deva

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước ta, việc Báo cáo viên đặc biệt đề xuất Việt Nam là quốc gia để đến thăm đầu tiên đã thể hiện những thành tựu to lớn của công cuộc Đổi mới trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, nâng cao mọi mặt đời sống người dân của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong đó, Việt Nam luôn bảo đảm sự tham gia, đóng góp của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác phát triển và các bên liên quan trong quá trình này.

Hiện nay, Việt Nam đang đặt ưu tiên cao cho việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, với nhiều nỗ lực trong giảm nghèo đa chiều bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, bảo vệ môi trường, hướng tới thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước ta bày tỏ tin tưởng chuyến thăm là cơ hội để chia sẻ các kinh nghiệm tốt, các thách thức, ưu tiên và nhu cầu hợp tác của Việt Nam trong vấn đề này.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển Surya Deva cảm ơn Việt Nam đã tạo điều kiện thu xếp thuận lợi chuyến thăm lần này, thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc. Ông Surya Deva đánh giá cao các dấu ấn, sáng kiến của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và sự tham gia trách nhiệm, tích cực trong Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR).

Chia sẻ thông tin về các ưu tiên trong nhiệm kỳ công tác, Báo cáo viên đặc biệt khẳng định, sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận tổng thể, cân bằng, minh bạch, thúc đẩy hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm và tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng, triển khai và giám sát chính sách phát triển. Ông bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò của mình tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và góp phần thúc đẩy triển khai hiệu quả quyền phát triển ở Việt Nam và trên thế giới.

Những dấu ấn nổi bật của Việt Nam

Chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển Surya Deva diễn ra khi Việt Nam ngay trong năm đầu tiên trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 đã có những góp tích cực, hiệu quả, trách nhiệm, để lại dấu ấn nổi bật, được ghi nhận tại cơ quan này của tổ chức Liên Hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế. Kể từ khi đảm nhiệm trọng trách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm từ 2023-2025 từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có những hoạt động, đóng tích cực và hiệu quả.

Trong đó, đáng chú ý có Nghị quyết về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna do Việt Nam đề xuất, soạn thảo và được thông qua tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đầu tháng 4 vừa qua. Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm tuyên bố và chương trình hành động viên là sáng kiến của Việt Nam, được đề xuất tại phiên họp cấp cao mở đầu Khóa họp 52 của Hội đồng Nhân quyền tại Geneva hồi tháng 2-2023. Nghị quyết nhằm khẳng định lại và tăng cường các nỗ lực cũng như hành động hướng tới đạt được những mục tiêu và giá trị lớn, bao trùm của hai văn kiện quan trọng nêu trên, cũng như các cam kết chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người cho tất cả mọi người.

Nghị quyết nhận được sự tham gia đồng bảo trợ Nghị quyết của 98 nước, bao gồm 34 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền, các nước phương Tây và nhiều nước đang phát triển từ cả 5 nhóm khu vực, trong đó có hầu hết các nước ASEAN. Việc Nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận, có sự đồng bảo trợ của 98 nước cho thấy Nghị quyết thể hiện sự quan tâm và ưu tiên chung của các nước và cộng đồng quốc tế, thu hút được sự hưởng ứng, tham gia ủng hộ của đông đảo các nước, được sự đánh giá cao của các bên.

Nghị quyết là một dấu ấn nổi bật của Việt Nam tại Khóa họp đầu tiên trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, thể hiện đóng góp thực chất, trách nhiệm của Việt Nam vào công việc của Hội đồng Nhân quyền. Việc Việt Nam đề xuất Nghị quyết này tại Hội đồng Nhân quyền rất kịp thời, đáp ứng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về kỷ niệm và đề cao Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền và Tuyên bố và chương trình hành động Vienna, hai văn kiện quan trọng về quyền con người, thể hiện vai trò Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền và cộng đồng quốc tế.

Có thể nói, việc Việt Nam tham gia năng động, chủ động, tích cực và trách nhiệm ngay từ những đầu trên trên cương vị thành viên mới trong lần thứ hai trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều phương diện. Cùng với tăng cường sự tham gia, hợp tác quốc tế, điều này tiếp tục góp phần quan trọng khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đặc biệt coi trọng và phát huy hiệu quả nhân tố con người trong phát triển đất nước, gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Đồng thời, cũng khẳng định những thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật.

Để có cơ sở pháp lý thúc đẩy và bảo vệ, bảo đảm quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Chúng ta đã xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế.

Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 được xem là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến về bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992; đồng thời, bổ sung nhận thức mới, đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

Với vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam cùng với cam kết mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, đã có những đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả vào nỗ lực chung thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.