Việt Nam đóng góp thiết thực gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế

ANTD.VN - Việc cử lực lượng tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở một trong những khu vực nguy hiểm, khó khăn và gian khổ nhất trên thế giới hiện nay là minh chứng cho những đóng góp của Việt Nam vào việc gìn giữ hòa bình và an ninh - một yêu cầu và đòi hỏi cấp thiết hàng đầu ở nhiều khu vực trên thế giới hiện nay.

Việt Nam đóng góp thiết thực gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế ảnh 1Cá nhân xuất sắc của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam làm nhiệm vụ tại Nam Sudan nhận Bằng khen của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc 

Tiếp sau lực lượng đầu tiên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, lực lượng tiếp theo của bệnh viện này sẽ lên đường sang Nam Sudan trong một vài ngày tới đây. Lực lượng của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 của Việt Nam tiếp tục làm nhiệm vụ trong lực lượng Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan sau khi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã hoàn thành nhiệm sau hơn 1 năm thực thi sứ mệnh quốc tế cao cả tại đất nước châu Phi non trẻ đang mang trên mình những vết thương xung đột và vô vàn khó khăn, hiểm nguy này.

Thực thi sứ mạng cao cả ở những nơi gian khó, nguy hiểm

Hơn 1 năm trước, vào tháng 10-2018, sau hơn 4 năm chuẩn bị kỹ lưỡng, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 gồm 63 cán bộ, nhân viên đã lên đường làm nhiệm vụ tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Nam Sudan. Đặc biệt, thành phần tham dự bệnh viện dã chiến lần đầu đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam này có tới 10 người là nữ, chiếm 16%, tỷ lệ cao nhất trong các nước tham gia lực lượng này. 

Việc Việt Nam lần đầu tiên cử một lực lượng quân y với hơn 60 người là các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế cùng đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho một bệnh viện dã chiến là một bước đột phá đầy ấn tượng, không chỉ thể hiện thiện chí, trách nhiệm của Việt Nam đối với các hoạt động của chúng ta trong việc tham gia trực tiếp vào hoạt động gìn giữ hòa bình, mang lại cuộc sống ổn định, hòa bình cho các quốc gia, khu vực còn gặp khó khăn vì bất ổn, xung đột hay nghèo đói, lạc hậu, dịch bệnh.

Hơn 1 năm trước, khi những người lính quân y Việt Nam đặt chân tới Bentiu, khu vực này cũng như nhiều địa phương khác của Nam Sudan còn tiềm ẩn những nguy hiểm của nguy cơ xung đột và nhất là còn nhiều gian khó. Cuộc nội chiến khủng khiếp kéo dài suốt 5 năm tại một quốc gia nghèo khó mới thành lập được vẻn vẹn 7 năm ở châu Phi để lại những hậu quả vô cùng tàn khốc và nặng nề.

Cuộc nội chiến “nồi da xáo thịt” này đã khiến hơn 50.000 người thiệt mạng và hơn 4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Các chuyên gia của Liên hợp quốc trong chuyến đi thực tế khi cuộc nội chiến vừa lắng xuống ở Nam Sudan vào cuối năm 2016 đã phải chứng kiến những điều khủng khiếp như: thanh trừng sắc tộc tràn lan, đốt phá làng mạc, tình trạng thiếu ăn, chết đói hiển hiện và các vụ cưỡng hiếp xảy ra phổ biến tới mức trở thành bình thường… Cuộc nội chiến cũng tàn phá nghiêm trọng Nam Sudan, làm khoảng 250.000 trẻ em suy dinh dưỡng trầm trọng và có nguy cơ tử vong cao.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng trách nhiệm quốc tế cao cả cũng như sự chịu đựng gian khó, vất vả và cả những hiểm nguy phải đối mặt Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh tốt đẹp của mình tại khu vực Bentiu của Nam Sudan.

Sau 1 năm hoạt động, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đã tiếp nhận khám, điều trị cho trên 1.800 bệnh nhân; xử lý thành công nhiều ca cấp cứu y tế phức tạp, yêu cầu đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Trong đó, điển hình như ca phẫu thuật cấp cứu cho các quân nhân của Ấn Độ và Mông Cổ trong Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Nam Suda. Với các thành tích này, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 được Liên hợp quốc đánh giá cao, hai lần có thư gửi tới Chính phủ Việt Nam để cảm ơn, khen ngợi. 

Ngày 19-11 vừa qua, trong buổi tiếp Đoàn công tác Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Trưởng đoàn, Bộ trưởng Quốc phòng Kuol Mangyang cảm ơn và đánh giá cao việc Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, mà trực tiếp là những đóng góp của các y bác sĩ và nhân viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1.

Minh chứng là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế

Tiếp nối nhiệm vụ vinh dự song đầy thử thách và khó khăn của những người đồng chí, đồng đội, lực lượng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 lên đường làm nhiệm vụ quốc tế trong tháng 11 này cũng đã được huấn luyện và chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chu đáo.

Qua kiểm tra, đánh giá cả 63 thành viên của bệnh viện đều có đầy đủ năng lực một Bệnh viện dã chiến cấp 2 theo yêu cầu của Liên hợp quốc bao gồm các nhiệm vụ: Khám và điều trị tối đa 40 bệnh nhân ngoại trú 1 ngày; khả năng hồi sức cấp cứu và vận chuyển đường không và đường bộ các bệnh nặng tới tuyến y tế cao hơn; khả năng thực hiện 3-4 ca phẫu thuật 1 ngày có gây mê; Khả năng nhận điều trị nội trú 20 bệnh nhân trong 7 ngày; thực hiện 10 ca chụp X-quang, 10 ca điều trị răng miệng, xét nghiệm chẩn đoán cơ bản 20 ca trong 1 ngày; có 2 đội y tế cấp cứu cơ động ngoại viện; tự bảo đảm đủ vật tư y tế tiêu hao - thuốc chữa bệnh trong bất kỳ tình huống nào…

Cùng với việc trị bệnh cứu người tại một quốc gia vừa trải qua nội chiến khốc liệt với những di chứng hết sức nặng nề như khoảng 1/3 số dân phải bỏ nhà cửa lánh nạn, Việt Nam sẽ cử một lực lượng sang thực thi sứ mệnh cấp thiết và cấp bách tại Nam Sudan trong thời gian tới. Đó là một lực lượng công binh với hơn 300 người cùng các trang thiết bị. 

Hiện Đội Công binh của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan đang tích cực chuẩn bị, huấn luyện để sẵn sàng thay thế Đội Công binh của Vương quốc Anh hiện đang làm nhiệm vụ tại quốc gia Đông Phi vào năm 2020. Hiện việc đăng ký năng lực cho Đội Công binh Việt Nam vào hệ thống PCRS (hệ thống sẵn sàng năng lực) của Liên hợp quốc đã hoàn tất. Biểu biên chế của Đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thuộc Bộ Tư lệnh Công binh, với quân số dự kiến gồm 319 người, trong đó có 34 sĩ quan và 256 quân nhân chuyên nghiệp, 41 nữ quân nhân.

Việc cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại một trong những địa điểm khó khăn, tiềm ẩn những nguy cơ xung đột đã minh chứng cho những đóng góp thiết thực và hiệu quả của Việt Nam như là một thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Hiến chương Liên hợp quốc cũng ghi rõ, sứ mệnh gìn giữ hòa bình và ổn định trên trái đất là mục tiêu tối cao và xuyên suốt của Liên hợp quốc và thực hiện mục tiêu này không ai khác ngoài các quốc gia thành viên của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ nước ta phê duyệt Đề án “Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo” ngày 25-5-2014, Việt Nam đã tích cực triển khai để đóng góp hiệu quả cho hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới. Dù phải làm việc trong môi trường đa phương đầy khó khăn, những người “Lính bộ đội Cụ Hồ” trong lực lượng “mũ nồi xanh” Liên hợp quốc đều đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

“Tôi cúi đầu, nghiêng mình trước những sĩ quan Việt Nam vì đã đi một chặng đường dài tới tận Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi để giúp đỡ những người khốn khổ… Đó cũng chính là sự ghi nhận, đánh giá cao về đóng góp của Việt Nam vào một trong những sứ mạng cao cả nhất của Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế hiện nay trong việc gìn giữ và duy trì hòa bình và an ninh”.

Ông Ban Ki-moon, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc (Phát biểu khi đến Việt Nam dự Hội nghị đánh giá kết quả 1 năm Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, ngày 22-5-2015)