Việt Nam đi đầu trong việc "Trao quyền cho phụ nữ"

ANTĐ -Sáng 26-10 tại Hà Nội, một loạt doanh nhân Việt Nam cam kết ủng hộ bình đẳng giới bằng việc ký vào Bản khuyến nghị ủng hộ “Những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ”. Như vậy Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng các doanh nghiệp ủng hộ Những nguyên tắc này.

Tham dự chương trình có ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch VCCI; bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam; bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội LHPNVN; ông Floria Beranek - Cố vấn kỹ thuật cao cấp - Dự án Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp UNIDO-EU; ông Nguyễn Quốc Dũng - Chủ tịch kiêm TGD TCT Xây dựng 789 BQP cùng các doanh nghiệp nữ thành công trong cả nước…

Lễ ký kết diễn ra trong buổi giới thiệu Những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam và tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức. Những nguyên tắc này nhằm mục tiêu thúc đẩy giới và hỗ trợ phụ nữ được bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội việc làm, trong đào tạo cũng như bình đẳng trong chi trả lương và thu nhập.

Tháng 6 năm 2012, tại Hội nghị của Liên Hợp quốc về Phát triển bền vững (Rio+20), Tổng Thư ký Liên Hợp quốc nhấn mạnh: “Những đóng góp của khu vực tư nhân sẽ mang tính quyết định. Chúng ta khổng thể phát triển bền vững nếu không có sự ủng hộ của các doanh nghiệp-từ những tập đoàn toàn cầu hàng đầu đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ các nhà đầu tư tới doanh nhân. Chúng ta cũng không thể đạt được sự bền vững - ở tầm doanh nghiệp cũng như trên toàn cầu – nếu không trao quyền cho những phụ nữ của thế giới này”.

Ông Florian Beranek phát biểu tại hội thảo

Tại buổi lễ, 20 lãnh đạo doanh nghiệp đã ký vào Bản Khuyến nghị ủng hộ Những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ. Với việc ký kết này, lãnh đạo các doanh nghiệp thể hiện cam kết về việc bình đẳng giới, trao quyền phụ nữ và khuyến khích các doanh nhân khác cùng ủng hộ.

Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ là một sáng kiến chung của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Cơ quan hiệp ước toàn cầu của Liên Hợp Quốc (United Nations Global Compact). Những nguyên tắc này gồm bảy bước hướng dẫn các doanh nghiệp cách thức trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, thi trường và cộng đồng. Với những hướng dẫn đó, các doanh nghiệp có thể nâng cao quyền năng cho phụ nữ để hỗ trợ họ tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh tế trong mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ.

Ông Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch VCCI

Phát biểu tại buổi lễ ông Đoàn Duy Khương chia sẻ: “Chương trình Mục tiêu thiên nhiên kỷ của Liên hiệp quốc được gần 190 nước thống nhất, trong đó có Việt Nam đã nêu rõ một trong 8 mục tiêu là: Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Ở Việt Nam, Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2351/QD-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2010 đề ra những chỉ tiêu phải đạt được là “tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020”. Do vậy việc vận dụng “ Những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ” cần được coi là một trong những ưu tiên quan trọng của các doanh nghiệp.

Tính đến thời điểm hiện nay đã có hơn 400 doanh nhân tuyên bố cam kết thực hiện Những nguyên tắc này. Tại khu vực ASEAN có một công ty tại Indonesia, một tại Malaysia, một tại Philippines, hai tại Thái Lan và ngày hôm nay với con số hai mươi tại Việt Nam. Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu ASEAN về thực hiện những nguyên tắc bình đẳng quyền cho phụ nữ.

Bà Pratibha – Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam

Tại buổi lễ Bà Pratibha nhấn mạnh: “Việc ký vào Bản khuyến nghị ủng hộ Những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ là một cơ hội để biểu thị sự ủng hộ vào mục tiêu chung về sự tiến bộ và trao quyền cho phụ nữ”. Bà cho biết, khu vực doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng thông qua việc tạo việc làm và thu nhập bền vững cho phụ nữ, đồng thời đóng góp vào việc môi trường bền vững và bảo vệ quyền của phụ nữ.

Nguyễn Thị Tuyêt – Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam

Phó chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết: Phụ nữ Việt Nam chiếm trên 51% dân số và 48,6% lực lượng lao động nên phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất kinh doanh tạo ra sản phẩm có chất lượng, tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng địa phương cũng như của từng đất nước. Với tình hình hiện nay, vấn đề đặt ra là “làm thế nào để trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo sự tham gia và tiếng nói của các nhóm khác nhau trong cộng đồng và quá trình hoạch định chính sách cũng như tạo cơ hội để phụ nữ tiếp cận đầy đủ và bình đẳng các chính sách bảo hộ, an sinh xã hội, không bị buôn bán và bị bóc lột. Trong những năm qua, Hội đã có nhiều nỗ lực trong hỗ trợ phát triển nữ doanh nhân và doanh nghiệp nữ, giúp họ vượt qua các khó khăn thách thức để kinh doanh hiệu quả, đồng thời cân bằng giữa trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình và xã hội”. Bà cho rằng: “Vai trò của phụ nữ trong kinh tế xã hội của mỗi quốc gia ngày càng được khẳng định. Chúng ta cần phải trao quyền hơn nữa cho họ, bởi bình đẳng là thịnh vượng”. 

Đại diện hai mươi doanh nghiệp tham gia ký 

Bản Khuyến nghị ủng hộ những nguyên tắc trao quyền phụ nữ.

Những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ

1.Thực hiện lãnh đạo thúc đẩy bình đẳng giới

2.Thực hiện bình đẳng về cơ hội, tham gia và không phân biệt đối xử

3.Thực hiện sức khỏe, an toàn và không bạo lực.

4.Thực hiện giáo dục và đào tạo.

5.Thực hiện phát triển doanh nghiệp, các hoạt động về chuỗi cung cấp và tiếp thị

6.Thực hiện sự tham gia và lãnh đạo trong cộng đồng.

7. Thực hiện tính minh bạch, đánh giá và báo cáo.