Việt Nam đặt sức khỏe và tính mạng của con người lên trên hết

ANTD.VN - Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, chúng ta luôn đặt lên hàng đầu ưu tiên bảo đảm tốt nhất sự an toàn, sức khỏe và tính mạng con người cho dù phải khó khăn, vất vả và tốn kém tới đâu. Chính vì thế, cho đến nay tại Việt Nam chưa có ca mắc Covid-19 nào tử vong trong khi điều kiện và cơ sở vật chất y tế của chúng ta còn thua rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Việt Nam đã huy động các nguồn lực tập trung cứu chữa tất cả các ca bệnh Covid-19 nặng nhất 

Nốt lặng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đã trở thành đại dịch nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai khi lây lan ra toàn cầu, khiến 1,45 triệu người mắc bệnh, hơn 82 nghìn người tử vong và cũng chỉ mới có hơn 300 nghìn bệnh nhân hồi phục (tính tới cuối giờ chiều 8-4), tức tỷ lệ hồi phục chỉ hơn 30% so tổng số ca mắc bệnh. Bất chấp các nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ trên khắp thế giới, mỗi ngày vẫn có thêm hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 tử vong, trong khi chưa biết khi nào căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này mới lên tới đỉnh dịch để số người tử vong giảm xuống mỗi ngày.

Con số 3.000 trường hợp tử vong khi Covid-19 lên tới đỉnh dịch tại quốc gia tâm dịch Trung Quốc đã làm thế giới phải đau buồn, lo lắng về việc có quá nhiều người bị virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2/nCoV) cướp đi sinh mạng. Thế nhưng, chỉ hơn một tháng qua kể từ khi bùng phát dữ dội trên khắp thế giới, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của số người gấp hơn 20 lần so với số người tử vong tại nơi dịch khởi phát - Trung Quốc và đáng lo ngại hơn là con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng mạnh trong những ngày tới.

Điều đáng nói là số người nhiễm bệnh và tử vong không chỉ tại các quốc gia đang phát triển hay có khó khăn vì bị cấm vận như Iran mà số trường hợp tử vong lại đang diễn ra nhiều nhất ở những quốc gia phát triển tại châu Âu và Mỹ. Tính tới cuối ngày 8-4, Italia là quốc gia chịu tổn thất về sinh mạng nhiều nhất do đại dịch Covid-19 với hơn 135 nghìn người mắc bệnh và hơn 17 nghìn người tử vong, gần gấp 3 lần số người tử vong so với Trung Quốc đại lục, quốc gia hiện có hơn 3.300 người tử vong trong gần 82.000 trường hợp mắc bệnh. 

Các quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha, Pháp và Anh đứng tiếp sau Italia khi lần lượt có hơn 14 nghìn, hơn 10 nghìn và hơn 6 nghìn người tử vong trong tổng số hơn 142 nghìn, hơn 110 nghìn và hơn 55 nghìn trường hợp mắc bệnh. Đây là những tỷ lệ tử vong khá cao, chiếm tới trên dưới 10% tổng số các ca bệnh Covid-19 ở các quốc gia này. Nhiều quốc gia phát triển khác ở châu Âu cũng có tỷ lệ người nhiễm bệnh Covid-19 tử vong tương tự.

Dù tỷ lệ tử vong có thấp hơn các quốc gia châu Âu nhưng Mỹ cũng đã có hơn 13 nghìn người tử vong trong tổng số hơn 400 nghìn người mắc Covid-19. 

Việc tỷ lệ tử vong vì bệnh Covid-19 cao ở châu Âu và Mỹ phần nào được cho là do số bệnh nhân tăng đột biến làm quá tải mọi cơ sở y tế nên không có điều kiện chăm sóc, đặc biệt là cấp cứu cho các ca nặng. Song dù sao, để xảy ra tỷ lệ tử vong cao tới vậy cũng là một nốt lặng đau buồn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Tất cả vì người bệnh

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ghi nhận các ca bệnh Covid-19 sau tâm dịch Trung Quốc. Đây đều là những người trở về từ tâm dịch thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) từ trung tuần tháng 1-2020.

Đã gần 3 tháng qua kể từ khi ghi nhận ca bệnh Covid-19 đầu tiên tới nay, tính tới hết ngày 8-4, Việt Nam đã có 251 trường hợp nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa có trường hợp nào tử vong, trong khi 126 trường hợp đã được chữa trị khỏi bệnh/ra viện, chiếm tỷ lệ hơn 50%, tỷ lệ khá cao so với tỷ lệ chung trên thế giới. Trong số các ca bệnh Covid-19 tại nước ta có những trường hợp được giới chuyên môn đánh giá “rất nặng” do nhiễm virus SARS-CoV-2 trên nền nhiều bệnh như ung thư, tiểu đường type 2, tim mạch, huyết áp… hay vừa bệnh nền vừa tuổi cao hoặc trường hợp trẻ sơ sinh vài tháng tuổi.

Ngay từ khi ghi nhận các ca bệnh Covid-19 đầu tiên, giới chuyên môn y tế nước ta đã đánh giá, phân loại các ca bệnh rất sớm để có phương án, phác đồ điều trị thích hợp. Không phải mọi ca bệnh Covid-19 đều được chuyển lên bệnh viện tuyến trên mà tùy theo bệnh tình của các ca bệnh được đưa tới những cơ sở y tế phù hợp, qua đó hạn chế được lây nhiễm chéo trong quá trình di chuyển nhưng như tập trung nguồn lực, chuyên môn chữa trị các ca nặng ở bệnh viện tuyến trên.  

Dù toàn thế giới hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh Covid-19 nhưng Việt Nam đã có một phác đồ điều trị hiệu quả đối với căn bệnh nguy hiểm này ngay từ đầu. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế cho biết, để ứng phó với dịch bệnh mới, hệ thống khám chữa bệnh, ngành y tế đã họp ngay Hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành nhằm đưa ra hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ khi có các ca bệnh đầu tiên, sau đó tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện.

Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai, Phó trưởng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chia sẻ: "Điều trị bệnh nhân Covid-19 thực sự khó khăn bởi đây là bệnh mới, cơ chế gây bệnh còn chưa rõ ràng. Mỗi bệnh nhân lại có những triệu chứng và tiến triển bệnh khác nhau". Để chữa trị hiệu quả nhất những ca bệnh Covid-19, các bác sĩ đọc tài liệu nước ngoài để tham khảo với hội đồng chuyên môn, đưa ra phác đồ ngay từ giai đoạn đầu chống dịch, và cập nhật những điểm mới hàng ngày.    

Các thầy thuốc nước ta sau đó cân nhắc tìm các loại thuốc và liều lượng thích hợp với người bệnh. Có những loại thuốc vốn được dùng để điều trị bệnh khác, nhưng có những tác dụng khác có thể áp dụng trong điều trị bệnh nhân Covid-19. “Ví dụ, thuốc Aluvia, vốn điều trị cho bệnh nhân HIV, song có thể được sử dụng trong phác đồ điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, bên cạnh phác đồ Cloroquine" - bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai dẫn chứng.   

Đối với các ca bệnh Covid-19 “rất nặng” như các bệnh nhân số 19, 50, 88 và hiện nay là bệnh nhân số 91 là phi công người Anh của hãng Vietnam Airlines. Những ca bệnh này đều đã phải sử dụng ECMO (hỗ trợ tim phổi nhân tạo). Với phương châm “sức khỏe và tính mạng con người là ưu tiên số một”, “còn nước còn tát”, ngành y tế và cơ quan liên quan của nước ta đã huy động mọi nguồn lực, chuyên môn với hỗ trợ tốt nhất để cứu sống và hồi phục những ca bệnh “rất nặng”. 

Chúng ta đã thành lập Tiểu ban điều trị, Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm với các chuyên gia đầu ngành về hồi sức, truyền nhiễm, cấp cứu, hô hấp... do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đứng đầu để thường xuyên hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho mỗi bệnh nhân Covid-19 nặng. Tất cả những điều này góp phần vào việc chưa để xảy ra trường hợp bệnh nhân Covid-19 nào tử vong cho dù điều kiện nhiều mặt của chúng ta còn kém hơn so với thế giới.

Kết quả ban đầu, kinh nghiệm phòng chống, điều trị bệnh Covid-19 của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao như là một “hình mẫu”, “ngọn hải đăng” trong cuộc chiến chống đại dịch này. Tờ báo l’Obs của Pháp trong bài viết mới đây đánh giá cao công tác chống dịch của Việt Nam đã khẳng định: “Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”.