Việt Nam đạt nhiều thành tựu tích cực trong tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với nhiều thành tựu tích cực trong tăng trưởng kinh tế, Việt Nam nổi lên như một trong những “con hổ châu Á”. Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ với các nước, trong đó có Mỹ là đối tác chiến lược toàn diện.

Một trong những “con hổ châu Á”

Mới đây, Viện Wahba - một tổ chức nghiên cứu về cạnh tranh chiến lược, chuyên định hình các cuộc đối thoại và thúc đẩy các hành động nhằm củng cố vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ, đã có bài viết trên trang web của Trung tâm Wilson đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, cũng như đề cập đến cơ hội tăng cường quan hệ đầu tư Việt-Mỹ.

Nhà máy thông minh của Tập đoàn GE do Mỹ đầu tư ở Hải Phòng

Nhà máy thông minh của Tập đoàn GE do Mỹ đầu tư ở Hải Phòng

Trong bài viết, Viện Wahba nhấn mạnh Việt Nam đã nổi lên như một trong những “con hổ châu Á” với nhiều thành tựu tích cực trong tăng trưởng kinh tế những năm gần đây. Sự phát triển này chủ yếu nhờ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các cải cách theo định hướng thị trường. Ngoài ra, chi phí lao động cạnh tranh đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn cho sản xuất, còn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Tận dụng các cơ hội từ quan hệ đối tác chiến lược với các đối tác lớn trên toàn cầu, từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt Top 40 nền kinh tế hàng đầu, Top 20 quốc gia thương mại dẫn đầu thế giới, với quy mô kinh tế 435 tỷ USD.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, dù gặp nhiều thách thức, kinh tế Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. GDP thực tế của Việt Nam đã tăng 6,93% so với cùng kỳ trong quý II-2024. Kết quả này không chỉ tiếp nối đà tăng từ mức 5,87% trong quý I-2024, mà còn vượt qua mức tăng 6,72% của quý IV-2023 và 4,05% trong cùng kỳ năm 2023. Tổng cộng, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,42% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2024, vượt xa mức 3,84% của nửa đầu năm 2023. Trong 8 tháng kể từ đầu năm tới nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,07 tỷ USD.

Về con số FDI, tính đến ngày 31-8-2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 14,17 tỷ USD, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,36 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ…

Trong 8 tháng năm 2024, đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,79 tỷ USD, chiếm gần 33,1% tổng vốn đầu tư, tăng 75,5% so với cùng kỳ 2023. Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ hai với 2,4 tỷ USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư, tăng 43,7 so với cùng kỳ. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 29,5%), còn Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn.

Trên thị trường nội địa, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng vẫn trong mức kiểm soát. Trong tháng 8, giá lương thực, thực phẩm, giá nhà ở thuê tăng so với tháng 7-2024, nhưng giá xăng dầu trong nước lại giảm theo giá thế giới. Tính chung, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ổn định. So với tháng 12-2023, CPI tháng 8 năm 2024 tăng 1,89%, còn so với cùng kỳ năm 2023 thì tăng 3,45%. Riêng quan hệ với Mỹ, năm 2023, Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Tuy nhiên, dù quan hệ thương mại phát triển, FDI của Mỹ vào Việt Nam vẫn thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á. Tính đến giữa năm 2024, Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 13 tại Việt Nam, phần lớn vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú (42,3%) và sản xuất chế tạo (20,3%). Nhiều công ty Mỹ như Apple, Intel, Citigroup, Nike, Chevron, Ford, Coca-Cola và KFC đã đầu tư tại Việt Nam.

4 ngành chiến lược trong đầu tư của Mỹ vào Việt Nam

Với sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam không những giữ đà tăng trưởng bền vững, mà còn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nhờ phục hồi tích cực trong hoạt động xuất khẩu, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm nay. Còn theo ông Suan Teck Kin, Giám đốc khối nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của Tập đoàn UOB (Singapore), triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn tích cực với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo 6% hoặc cao hơn.

Trong bối cảnh đó, quan hệ Việt - Mỹ có nhiều cơ hội, tiềm năng để tăng cường hợp tác, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, nhưng cần phải có sự nỗ lực từ cả hai phía. Theo các nhà kinh tế, Mỹ cần sớm công nhận quy chế thị trường của Việt Nam. Trong bài viết đăng tải trên mạng geopoliticalmonitor.com, nhà nghiên cứu James Borton tại Viện Chính sách đối ngoại Johns Hopkins (Mỹ) cho rằng, mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện không chỉ giúp tăng cường quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt, mà còn là cơ hội để Washington công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Việc này sẽ giúp Việt Nam gia tăng thương mại và đầu tư với Mỹ.

Đổi lại, lợi ích mà các công ty Mỹ có được là các cơ hội tiếp cận thị trường và xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, máy móc, máy bay và dược phẩm. Tất cả đều góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng phù hợp với lợi ích của Mỹ. Còn với Việt Nam, các nhà kinh tế khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục cải thiện tính minh bạch của thị trường và xây dựng các quy định rõ ràng để thu hút thêm vốn đầu tư từ Mỹ. Để củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, Việt Nam nên xác định rõ các cơ quan phụ trách từng dự án của doanh nghiệp Mỹ và xây dựng khung pháp lý bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó với lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban hành chính sách và cơ quan thực thi.

Đi vào cụ thể, Viện Wahba đề xuất 4 ngành chiến lược mà Mỹ có thể xem xét tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Trước hết là ngành công nghiệp bán dẫn vốn được dự báo tăng trưởng mạnh, với giá trị ước đạt hơn 6,16 tỷ USD vào cuối năm 2024. Thứ hai là ngành công nghiệp dược phẩm với tiềm năng phát triển nhờ lao động giá rẻ và nhu cầu trong nước tăng cao do sự phát triển của tầng lớp trung lưu, trong đó chủ yếu tập trung vào sản xuất thuốc generic. Thứ ba là ngành viễn thông khi các nhà đầu tư quốc tế có thể tham gia thông qua liên doanh hoặc sở hữu các tuyến cáp quang biển và bán công suất cho các nhà cung cấp viễn thông được cấp phép tại Việt Nam. Cuối cùng là cơ sở hạ tầng với các dự án hạ tầng cảng mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài.