- Bộ trưởng Lương Tam Quang: Sửa Luật phòng, chống mua bán người nhằm bảo vệ quyền con người
- Đánh giá không đúng về thành tựu thúc đẩy quyền con người của Việt Nam
Niềm tin chắc chắn vào Việt Nam
Đó là khẳng định của ông Iraklis Tsavdaridis, Thư ký thường trực Hội đồng Hòa bình Thế giới (WPC), bên lề khóa họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ từ ngày 9-9 đến 11-10-2024. Trong phát biểu của mình, ông Iraklis Tsavdaridis đã có những đánh giá về chính sách nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Việt Nam luôn quan tâm nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người |
Vị Thư ký thường trực WPC khẳng định, ông có niềm tin chắc chắn rằng Việt Nam, quốc gia đang trong thời điểm chuẩn bị tổ chức kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn vào năm 2025, luôn chú trọng về quyền con người và việc bảo vệ quyền con người. Trước hết, đó là quyền được sống trong hòa bình, quyền được hưởng phúc lợi, quyền được sống sung túc, quyền được cải thiện từng ngày về điều kiện sống. Điều này có thể thấy rất rõ qua việc Việt Nam đã đẩy lùi tình trạng đói nghèo cùng cực trong quá khứ.
Ông Iraklis Tsavdaridis nêu rõ, cho tới ngày hôm nay, đây là một trong những thành tựu lớn nhất trong hồ sơ nhân quyền của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang cải thiện thứ hạng nhanh theo các tiêu chuẩn quốc tế, dù còn gặp không ít khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Thư ký thường trực WPC nhấn mạnh: Với tư cách thành viên Hội đồng Hòa bình Thế giới, chúng tôi ủng hộ quyền của người dân Việt Nam được lựa chọn con đường phát triển và cải thiện của họ. Và đó chính là lý do tới đây tham dự phiên họp thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam, để ủng hộ và bày tỏ sự đoàn kết với Việt Nam - một quốc gia kiên cường, đồng thời cũng mong muốn được chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong việc phát triển đất nước, đảm bảo ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng cho người dân.
Ngay trước phát biểu của ông Iraklis Tsavdaridis, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Phiên họp do bà Heidi Schroderus-Fox, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền chủ trì, vào ngày 27-9 đã thông qua kết quả Báo cáo UPR chu kỳ IV của Việt Nam. Tại Phiên họp diễn ra trong khuôn khổ Khóa họp thường kỳ lần thứ 57, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt thông báo, Việt Nam chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra tại Phiên đối thoại về báo cáo quốc gia vào tháng 5-2024, đạt tỷ lệ 84,7%, cao nhất trong 4 chu kỳ. Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định Việt Nam tiếp tục tăng cường khuôn khổ pháp luật về quyền con người, thông qua ban hành, sửa đổi một số văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân.
Đặc biệt, dù chịu tác động nặng nề của bão Yagi, nhưng đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục được dự báo tích cực và ổn định, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh là tiền đề vững chắc để bảo đảm quyền cho tất cả người dân. Cùng với đó, bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương tiếp tục đạt được những bước tiến tích cực trong thời gian qua. Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cũng thông tin về chủ trương đặc xá 2024 cho hàng nghìn phạm nhân, tạo điều kiện để họ tái hoà nhập và đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Đại diện các nước và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ sau khi gửi lời chia buồn sâu sắc với Việt Nam về những mất mát và thiệt hại sau bão Yagi đều đã hoan nghênh những nỗ lực và thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặc biệt đặt trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai. Các đại biểu ghi nhận những tiến bộ mọi mặt ở Việt Nam về hoàn thiện thể chế, pháp luật về quyền con người, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương...
Những thành tựu không thể phủ nhận
UPR là một trong những cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với nhiệm vụ rà soát tình hình nhân quyền tại tất cả quốc gia thành viên Liên hợp quốc và qua đó thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cam kết về quyền con người của mình trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác bình đẳng, khách quan, minh bạch. Với chính sách nhất quán về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, Việt Nam rất coi trọng cơ chế UPR và luôn nghiêm túc xây dựng các báo cáo quốc gia cũng như triển khai các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận tại tất cả chu kỳ.
Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV, báo cáo vừa được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhất trí thông qua, đã trình bày tổng thể việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam trên tất cả lĩnh vực kể từ lần rà soát trước và Việt Nam cũng rà soát một cách toàn diện việc thực hiện những kiến nghị mà Việt Nam chấp thuận tại chu kỳ III, tính đến tháng 1-2024. Trong số 241 khuyến nghị Việt Nam đã chấp thuận tại chu kỳ III, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị chiếm 86,7%; thực hiện một phần là 30 khuyến nghị, chiếm 12,4% và còn hai khuyến nghị đang xem xét thực hiện vào một thời điểm phù hợp.
Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV cung cấp tình hình cập nhật với những dẫn chứng, thông tin và số liệu cụ thể, qua đó khẳng định nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, nhất là trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, thực hiện nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Báo cáo cũng khẳng định, những thành tựu của Việt Nam về giảm nghèo đa chiều bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân và bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; việc Việt Nam tham gia đối thoại với các đối tác quốc tế, khu vực trong lĩnh vực quyền con người.
Thời gian qua, Việt Nam đã tiếp tục các nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền với việc thông qua 44 đạo luật, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Về việc rà soát, gia nhập các Công ước quốc tế liên quan đến quyền con người, Việt Nam đã gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Việt Nam cũng đã tham gia đàm phán và chính thức tham gia Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trạt tự (GCM).
Bên cạnh đó, từ năm 2009 đến nay, tổng thu nhập quốc dân GDP tính trên đầu người ở Việt Nam đã tăng 25%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5% mỗi năm. Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc, gắn chặt với y tế cơ sở, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng từ hơn 81% năm 2016 lên mức 92% vào năm 2022. Tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh ở Việt Nam đã đạt 98,3%, tăng gần 1 điểm % so với năm 2018. Các phương tiện truyền thông, báo chí và Internet đã phát triển mạnh mẽ và trở thành diễn đàn ngôn luận của người dân, các tổ chức xã hội và là công cụ giám sát thực thi chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Đáng chú ý, sau 26 năm kết nối Internet, Việt Nam đã có hệ thống công nghệ viễn thông hiện đại với độ phổ cập cao. Tính đến đầu năm 2024, Việt Nam có 78,44 triệu người sử dụng internet và tỷ lệ tiếp cận internet, đạt 79,1%. Việt Nam có 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội vào tháng 1-2024, tương đương với 73,3% tổng dân số. Tổng cộng có 168,5 triệu kết nối di động tại Việt Nam đầu năm 2024, tương đương với 169,8% tổng dân số. Hiện, có khoảng 72.000 hội hoạt động ở Việt Nam thường xuyên, tích cực tham gia đóng góp vào xử lý các vấn đề kinh tế xã hội quan trọng của đất nước.
Những thành tựu bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.