Việt Nam có thêm 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Lượng người tiêu dùng trực tuyến tăng mạnh tại Việt Nam, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tiêu dùng trực tuyến tăng mạnh trong đại dịch

Tiêu dùng trực tuyến tăng mạnh trong đại dịch

Ngày 17-11, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường cho doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) trong bối cảnh chuyển đổi số”.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 từ Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, năm 2021 nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng 53% của TMĐT so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025. Đến năm 2030, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam sẽ đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV - Gross Merchandise Value), đứng thứ hai trong khu vực sau Indonesia. Đây cũng là một tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam.

Trong những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỷ lệ người dân sử dụng Internet cũng như số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm.

Doanh thu thương mại điện điện tử B2C liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Nếu như năm 2016, đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18% so với năm trước.

Đáng chú ý, từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu (cuối năm 2019) đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng “kỹ thuật số mới” với 55% trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn; 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm kỹ thuật số của người dùng Việt Nam.

Việt Nam vẫn là một trung tâm đổi mới hấp dẫn khi nguồn vốn toàn cầu tiếp tục đổ vào. Hoạt động thương vụ, đầu tư tăng vọt trong nửa đầu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục 1,37 tỷ USD, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt sự ứng dụng sâu rộng các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, chuyển đổi số là một vấn đề sống còn trong quá trình phát triển kinh doanh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.