Việt Nam có thể mua phiên bản tên lửa BrahMos nào của Ấn Độ?

ANTĐ - Theo thông tin của phía Ấn Độ, Việt Nam đang bày tỏ sự quan tâm đến loại tên lửa hành trình chống hạm BrahMos của Ấn Độ. Vậy Việt Nam có những trang bị gì phù hợp và cần thiết mua những phiên bản nào?

Ấn Độ cho biết, Việt Nam đang quan tâm đến tên lửa chống hạm BrahMos

Ngày 7-11 vừa qua, phát biểu bên lề triển lãm quốc phòng IndoDefence ở Indonesia, đại diện công ty liên doanh BrahMos Aerospace của Nga và Ấn Độ cho biết, loại tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos của họ đã nhận được sự quan tâm lớn từ một số khách hàng tiềm năng.

Theo tiết lộ của BrahMos Aerospace, châu Á là thị trường rất có triển vọng với vũ khí của Liên doanh này. Trong đó, các quốc gia đông nam Á đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới phiên bản bờ đối hạm của loại tên lửa hành trình siêu âm BrahMos gồm có Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Tờ “The Hindu” hôm 3-11 cũng đăng tải thông tin là Chính phủ Nga và Ấn Độ đã gật đầu cho phép New Delhi xuất khẩu tên lửa BrahMos sang “các quốc gia thân thiện”, theo một danh sách đặc biệt. Việc cấp phép này mở ra cơ hội để BrahMos Aerospace có thể tìm kiếm được khách hàng đầu tiên ngay cuối năm nay.

"Nếu bất kỳ nước nào tiếp cập chúng tôi, chúng tôi sẽ xem xét họ trên từng trường hợp. BrahMos Aerospace có khả năng sản xuất và cung cấp vũ khí chất lượng cao cho khách hàng. Việc xuất khẩu cho ai sẽ do Chính phủ quyết định" - ông Sudhir Mishra, Giám đốc điều hành Tổng công ty BrahMos nói.

Ngoài ra, Liên doanh Nga-Ấn này cũng đang tích cực tìm khách hàng tiềm năng để mua phiên bản chống hạm BrahMos trang bị trên tàu chiến của họ. Đây là vấn đề không đơn giản bởi các tàu mặt nước trang bị loại tên lửa chống hạm này thường phải có lượng giãn nước khá lớn.

Bởi vậy, New Dehli đang thúc đẩy tìm kiếm khách hàng bằng việc cho các tàu chiến mang tên lửa BrahMos thường xuyên ghé thăm các cảng nước ngoài như Indonesia, Việt Nam… nhằm mục đích tăng cường sự hữu nghị và quảng cáo những vũ khí trang bị hiện đại nhất của hải quân nước này. 
Việt Nam có thể mua phiên bản tên lửa BrahMos nào của Ấn Độ? ảnh 1Phiên bản BrahMos bờ đối hạm, phóng từ tàu ngầm và trên máy bay chiến đấu Su-30MKI

Ví dụ điển hình là từ ngày 4 - 8/6 vừa qua, đoàn tàu chiến hải quân Ấn Độ gồm 4 chiếc với tổng số 1.200 sĩ quan, thuỷ thủ đã đến thăm hữu nghị Thành phố Đà Nẵng. Sau đó, vào ngày 5-7/8, tàu hộ vệ tàng hình INS Shivalik (F-47) của hải quân nước này lại ghé thăm cảng Hải Phòng.

Một đặc điểm chung là hầu hết các chiến hạm Ấn Độ đều trang bị tên lửa chống hạm BrahMos và Club-S, với thiết kế tàng hình và tính năng ưu việt. Đây là những động thái quảng bá hình ảnh hết sức rõ rệt, trong bối cảnh Ấn Độ đang đẩy mạnh cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu vũ khí.

Tên lửa BrahMos có chiều dài 8,4m, đường kính thân 0,6m, tầm bắn 300km, trọng lượng phóng 3 tấn, đầu đạn nặng 300kg (phiên bản phóng từ trên không 2,5 tấn, đầu đạn 250kg), tên lửa có thể phóng trên độ cao tối đa 14km, thông thường 10km, với vận tốc siêu âm Mach3 và bay ở độ cao 10m so với mặt nước.

Hiện nay, Nga và Ấn đã phát triển BrahMos thành 3 phiên bản, bao gồm Block I, Block II và Block III. Trong đó, phiên bản Block I đã có đủ 4 biến thể phóng từ trên không, trên mặt đất, trên tàu mặt nước và từ tàu ngầm. Đây chính là những phiên bản mà các nước như Việt Nam có thể nhắm đến trong tiến trình hiện đại hóa quân đội.

BrahMos Aerospace cũng đang tiếp tục phát triển một phiên bản BrahMos chống hạm mini mới (BrahMos-M), trang bị trên các máy bay chiến đấu kiểu Nga như Su-30MKI, MiG-29K và máy bay tiêm kích nhẹ Tejas-LCA của Ấn Độ. Điều này đồng nghĩa với các tiêm kích Su-30MK2 thế hệ mới của Việt Nam cũng sẽ sử dụng được.

Mô hình hoàn chỉnh với kích thước thật của phiên bản “BrahMos-M” được ra mắt tại cuộc Triển lãm quốc tế Defexpo-2014, được tổ chức hai năm một lần, diễn ra từ ngày 6-2 đến 9-2-2014 tại New Delhi. Đây là biến thể phát triển riêng cho máy bay chiến đấu, khác biệt hoàn toàn với biến thể phóng từ trên không thuộc dòng BrahMos Block I. 

Khu trục hạm INS Ranvijay (D55), lượng giãn nước 4.974 tấn, trang bị 8 tên lửa hành trình chống tàu siêu âm BrahMos thăm Đà Nẵng từ ngày 4-8/6/2014

Một vài số liệu cho rằng, chiều dài của tên lửa sẽ vào khoảng 6m, đường kính 50cm, còn vận tốc của nó sẽ vượt hơn 3,5 lần tốc độ âm thanh - một vận tốc hiện nay không có loại tên lửa nào sánh kịp, biến nó thành loại tên lửa nhanh nhất, mạnh nhất và không thể đánh chặn trên thế giới.

Sở dĩ Ấn Độ phát triển thêm biến thể này do BrahMos Block I quá nặng và cồng kềnh (chiều dài 8,4m, đường kính 0,6m, trọng lượng 2,5 tấn) dẫn đến các máy bay chiến đấu hạng nặng như Su-30MKI cũng chỉ mang được 1 quả.

Với kích thước nhỏ gọn và trọng lượng nhẹ hơn gần một nửa (1,5 tấn), Su-30 MKI sẽ mang được 3 quả BrahMos-M, còn MiG-29K là 2 quả. Với tính năng tương đồng như Su-30MKI, tiêm kích Su-30MK2 của Việt Nam cũng có thể mang được 3 quả, còn việc MiG-29K mang được 2 quả cũng có thể tác động không nhỏ đến xu hướng thay thế MiG-21 của nước ta.

Việt Nam có thể mua phiên bản nào của BrahMos?

Về các hệ thống BrahMos bờ đối hạm, ngầm đối hạm và không đối hạm Việt Nam có thể mua được nhưng phiên bản hạm đối hạm thì Việt Nam chưa đủ điều kiện và cũng không cần thiết phải mua bởi hiện nay, không có tàu chiến nào của Việt Nam có thể mang được, bởi BrahMos có trọng lượng phóng quá nặng, lên tới gần 3 tấn.

Trước đây, vào năm 2012, xuất hiện thông tin Việt Nam hợp tác với Nga sản xuất tên lửa hành trình chống hạm Kh-35E, tuy nhiên điều này cũng chưa được Việt Nam xác nhận và thời gian trôi qua đã 3 năm mà thông tin xác thực và những tiến triển thực tế của dự án này vẫn chưa được hé lộ.

Giả sử kế hoạch hợp tác này là đúng, cũng còn rất lâu nữa những quả tên lửa Kh-35 đầu tiên mới được xuất xưởng, sau đó trang bị đủ cho các lực lượng tác chiến Việt Nam cũng còn khá lâu. Vì vậy, trong thời kỳ quá độ, chúng ta hoàn toàn có thể mua sắm BrahMos để trang bị cho các phương tiện tác chiến của mình. 

Phiên bản tên lửa BrahMos đặt trên tàu chiến của Ấn Độ nhận được quan tâm lớn từ Việt Nam

Hiện nay, phiên bản máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Việt Nam có tính năng tương đồng với Su-30MKI nên vừa có thể trang bị Kh-31, Kh-35 và tên lửa BrahMos-M. Ngoài ra, dòng máy bay MiG như MiG-29 cũng có thể vừa tích hợp BrahMos và Kh-35. Điều này cũng có thể tác động đến xu hướng mua sắm máy bay chiến đấu thay thế cho MiG-21 của nước ta.

Tàu ngầm Kilo cải tiến 636MV cũng là một phương tiện tác chiến có khả năng trang bị tên lửa BrahMos thay cho lửa hành trình chống hạm Club-S 3M-54E. Hơn nữa, nếu chúng ta chỉ mua sắm số lượng hạn chế tên lửa 3M-54E cho tàu ngầm thì giá thành sẽ rất đắt, nếu mua BrahMos trong một lô lớn thì chắc chắn sẽ rẻ hơn.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể sắm hệ thống phóng tên lửa cơ động bờ đối hạm BrahMos, vì nó có cùng tiêu chuẩn kỹ chiến thuật với hệ thống K-300P Bastion-P (NATO: SSC-5) sử dụng tên lửa P-800 Yakhont (phiên bản xuất khẩu của P-800 Onyx - nguyên mẫu của BrahMos).

Trên bản đồ, bờ biển nước ta dài 3.260km nhưng tính theo đường chim bay chỉ khoảng trên 1675km (Việt Nam nằm trong khoảng 8.27 - 23.23 độ vĩ bắc, tương đương với 15 độ = 1675km). Thế nhưng, hiện quân đội ta mới sở hữu một số hệ thống K-300P Bastion, mỗi hệ thống có phạm vi bao quát 600km, như vậy là chưa đủ phủ kín vùng biển thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Vì vậy, để bảo vệ hết đường bờ biển dài của nước ta, lấp kín những vùng chết và điểm giao cắt hỏa lực giữa các hệ thống, Việt Nam cần mua thêm một số hệ thống phòng thủ bờ đối hạm tiên tiến nữa. Và 1 số hệ thống tên lửa bờ đối hạm BrahMos nữa hoàn toàn có thể “chia lửa” hữu hiệu cho K-300P Bastion-P.

Chỉ có biến thể phóng từ tàu mặt nước là Việt Nam khó có thể mua vì với trọng lượng lớn gấp gần 5 lần trọng lượng tên lửa chống hạm Kh-35E (trên 600kg) hoặc gấp gần 4 lần MM-40 Exocet trên các chiến hạm Gepard và Sigma, nó chỉ được trang bị trên các tàu hộ vệ và khu trục hạm có lượng giãn nước gấp vài lần các tàu hộ vệ lớn nhất của Việt Nam. 

Phiên bản BrahMos phóng từ tàu mặt nước, BrahMos-M và hệ thống phóng bờ đối hạm

Ví dụ như khinh hạm lớp Krivak III cải tiến (còn gọi là lớp Talwar, dự án 11356) của hải quân Ấn Độ có lượng giãn nước khoảng 4.000 tấn (nặng gần gấp đôi tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 của VN), được trang bị 8 tên lửa hành trình siêu âm BrahMos.

Một phương án khác có thể tính đến là Việt Nam cũng có thể cải tạo các tàu chiến hiện có để lắp tên lửa này như Indonesia. Tuy nhiên, đây là phương án không khả thi vì Việt Nam không có những chiến hạm cũ có lượng giãn nước lớn để chuyển đổi như Indonesia.

Indonesia đã cải tạo chiến hạm cũ KRI Oswald Siahaan, thuộc lớp Ahmad Yani, được đóng dựa trên thiết kế tàu hộ vệ săn ngầm lớp Leander dùng trong hải quân Anh và Hà Lan (tên Hà Lan là lớp Van Speijk), có lượng giãn nước gần 3.000 tấn để lắp 4 tên lửa chống hạm siêu âm Yakhont của Nga (nguyên mẫu của BrahMos).

Việc mua phiên bản hạm đối hạm cũng không cần thiết bởi các chiến hạm như Gepard 3.9 và Sigma nếu sử dụng các phiên bản tên lửa chống hạm mới nhất của Nga và Pháp là Kh-35UE hoặc Exocet MM-40 Block3 cũng không kém mấy so với BrahMos nên hoàn toàn không cần thiết phải mua phiên bản hạm đối hạm.

Vì vậy, phương án mua tên lửa BrahMos trên tàu mặt nước sẽ không khả thi trong giai đoạn hiện nay, nó chỉ đến khi hải quân Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, sở hữu các tàu hộ vệ, khu trục hạng nặng. Còn 3 phiên bản trên chúng ta hoàn toàn có thể mua để tăng cường thực lực tác chiến phòng thủ đối hạm cho lực lượng không/hải quân.