Việt Nam có thể gặp động đất cường độ mạnh

(ANTĐ) - Trận động đất nhẹ diễn ra tại Phan Thiết vào ngày 23-6 vừa qua không khỏi khiến người dân lo lắng. Xung quanh vấn đề này, ông Lê Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết:

Việt Nam có thể gặp động đất cường độ mạnh

(ANTĐ) - Trận động đất nhẹ diễn ra tại Phan Thiết vào ngày 23-6 vừa qua không khỏi khiến người dân lo lắng. Xung quanh vấn đề này, ông Lê Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết:

Ông Lê Hồng Phương
Ông Lê Hồng Phương

- Trong những tháng đầu năm 2010, điều làm nhiều người lo lắng là đã xảy ra liên tục những trận động đất lớn trên thế giới, trong đó có 1 trận mạnh tới 7,8 độ richter xảy ra ở ngay phía Bắc đảo Sumatra của Indonesia thuộc khu vực Đông Nam Á. Gần đây nhất là trận động đất mạnh 6,9 độ richter xảy ra tại quận Yushu, tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) làm ít nhất 400 người thiệt mạng ngày 14-4. Các trận động đất và sóng thần này đều phát sinh trên những đới đứt gãy kiến tạo lớn, tầm cỡ khu vực và ở những độ sâu không lớn. Trong đó, động đất ở Haiti sở dĩ gây thiệt hại lớn là vì nó có chấn tâm nằm ở độ sâu 8km và chỉ cách thủ đô nước này khoảng 15km.

- PV: Còn về diễn biến động đất tại Việt Nam?

- Ông Lê Hồng Phương: Ở nước ta, động đất mạnh nhất đạt 6,8 độ richter đã từng xảy ra tại khu vực Tây Bắc vào các năm 1935 (động đất Điện Biên) và 1983 (động đất ở Tuần Giáo, Lai Châu). Ở các tỉnh phía Nam, động đất ghi nhận được cũng đã đạt tới 6,1 độ richter (động đất Hòn Tro năm 1923). Gần đây hơn, ngày 5-8-2005, đã xảy ra 2 trận động đất, 1 trận mạnh 5,1 độ richter ở vùng biển gần Vũng Tàu, 1 trận 5,5 độ richter ngoài khơi Nam Trung bộ. Một trận động đất khác ảnh hưởng đến TP Hồ Chí Minh vào đêm 28-11-2007 được xác định xảy ra trên đới đứt gãy Bình Thuận - Vũng Tàu, có cường độ 4,5-5 độ richter tại tâm chấn, đã làm rung chuyển các toà nhà cao tầng, gây hoảng loạn trong nhân dân. Tại huyện đảo Phú Quý, cửa sổ nhiều ngôi nhà bị bật tung, tại các giàn khoan ở mỏ Bạch Hổ, động đất cũng đã làm cho giàn khoan số 6 bị chao nghiêng.

Xét về tính chất địa chấn thì động đất ở Việt Nam độ lớn và tần suất không cao như ở 2 quốc gia lân cận là Trung Quốc và Indonesia. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi động đất trong tương lai. Do vậy, cần có những biện pháp tích cực để phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do động đất và sóng thần gây ra.  

- PV: Vậy chúng ta đã chuẩn bị những gì để ứng phó với thảm họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào này?

- Ông Lê Hồng Phương: Hiện chưa có tài liệu chính thức nào được công bố về thiệt hại do động đất và sóng thần tại Việt Nam. Vào năm 2006, Chính phủ đã ban hành quy chế của Thủ tướng Chính phủ về báo tin động đất, cảnh báo sóng thần và năm 2007 có thêm 1 quy chế nữa của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Để chủ động trong việc cảnh báo các thảm họa như động đất và sóng thần, chúng tôi đã duy trì chế độ trực suốt ngày đêm để đảm bảo phát hiện kịp thời các hiểm họa. Tất cả các trận động đất xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam với độ lớn từ 3,5 độ richter trở lên sẽ được trung tâm thông báo cho các cơ quan quốc gia có chức năng truyền bá thông tin và ứng phó nhanh nhất.

- PV: Việc phối hợp với các Trung tâm Cảnh báo sóng thần, động đất trên thế giới ra sao?

- Ông Lê Hồng Phương: Việt Nam đã trở thành một thành viên chính thức của hệ thống cảnh báo sóng thần trong khu vực và trên thế giới. Tại khu vực Thái Bình Dương, hệ thống cảnh báo sóng thần quốc tế gồm 2 trung tâm cảnh báo sóng thần đầu não là Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ và Trung tâm Tư vấn sóng thần Tây Bắc Thái Bình Dương của Nhật Bản.

Theo đó, các hoạt động cảnh báo sóng thần được phối hợp chặt chẽ giữa các trung tâm cảnh báo sóng thần quốc gia thành viên với 2 trung tâm cảnh báo sóng thần trên. Các cảnh báo phát đi từ 2 trung tâm đầu não được truyền trực tiếp tới các trung tâm cảnh báo sóng thần quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Quy trình phát thông báo được thực hiện liên tục trong thời gian sóng thần đang hoành hành trên toàn khu vực, và chỉ kết thúc sau khi hiểm họa sóng thần đã triệt tiêu.

Hạ Quỳnh (Ghi)