Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để thắng kiện

ANTĐ - Về những vấn đề pháp lý xung quanh vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam, Luật sư Lê Thanh Sơn, thành viên thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: “Phía Trung Quốc đang cố tình đánh tráo khái niệm, giải thích và áp dụng sai các quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”.

Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để thắng kiện ảnh 1
Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển
Việt Nam và tấn công, cản trở tàu Việt Nam thi hành công vụ là 
vi phạm trắng trợn luật pháp Quốc tế


Theo Luật sư Lê Thanh Sơn – Liên đoàn Luật sư Việt Nam, những ngày qua, Trung Quốc đã liên tục đưa ra những lập luận xảo ngôn, đánh tráo khái niệm, lừa dối công luận rằng họ có chủ quyền, có sự chồng lấn vùng đặc quyền để biến các vùng biển không có tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp. Việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 là hành vi bất hợp pháp. Là thành viên Liên hợp quốc, lẽ ra Trung Quốc phải tôn trọng các điều khoản đã ký trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, song họ đã chà đạp lên các quy định này. 

Hiện nay, Việt Nam chưa sử dụng hết các các công cụ đấu tranh ngoại giao. Mức cao nhất là Việt Nam mới chỉ có bài phát biểu đanh thép của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24 vừa qua.  Sắp tới, chúng ta có thể gửi công hàm chính thức lên Tổng thư ký Liên hợp quốc hoặc gửi kiến nghị lên Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc ra Nghị quyết nhằm thể hiện phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam trước sự việc này, thu hút sự quan tâm của thế giới. Trong trường hợp sử dụng biện pháp ngoại giao không đạt được kết quả, chúng ta sẽ tiến hành khởi kiện. 

Trong Công ước quốc tế về Luật Biển có các điều từ 279-289 quy định về vấn đề giải quyết tranh chấp với các hình thức: Tự chọn bên trung gian hòa giải, chọn trọng tài hòa giải và khởi kiện. Thông thường, hai bên đồng thuận đưa ra kiện (kiện giải quyết tranh chấp). Tuy vậy trong trường hợp kiện yêu cầu giải thích về luật thì chỉ cần một bên khởi kiện. Chúng ta có mấy khả năng kiện: Tập đoàn dầu khí Việt Nam kiện Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và Hội nghề cá Việt Nam kiện Tổng công ty này. Thậm chí một người dân làm nghề đánh cá Việt Nam cũng có thể khởi kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nếu chưa cần thiết phải kiện cấp chính phủ - chính phủ thì có thể tiến hành một trong những hình thức kiện trên. Các vụ kiện đó đều có thể thực hiện theo pháp luật Việt Nam và chính tòa án Việt Nam sẽ xét xử. Đây là bước chuẩn bị đầu tiên để kiện cấp chính phủ sau này (nếu có).

Về bằng chứng pháp lý liên quan đến chủ quyền biển đảo, Việt Nam hiện có quá nhiều và đầy đủ, song lại được tập hợp ở nhiều nơi, nhiều chỗ khác nhau. Để chuẩn bị vụ kiện, có 3 phần việc chúng ta phải tiến hành đồng thời và nhanh chóng: Tập hợp - Xây dựng - Củng cố chứng cứ. Đây là bước tập dượt cho các cơ quan tư pháp Việt Nam, các ban ngành liên quan và giới luật sư Việt Nam. Trong quá trình khởi kiện chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, chúng ta có thể vận động, tranh thủ kinh nghiệm, sự ủng hộ của các tổ chức, luật sư quốc tế, trong đó có luật sư người Việt Nam ở nước ngoài. Phải khẳng định rằng, chúng ta không kiện để giải quyết tranh chấp mà nhằm vào hành vi xâm chiếm, xâm phạm củ Trung Quốc. Do đó, phía Việt Nam sẽ kiện về việc họ cố tình đánh tráo khái niệm, giải thích và áp dụng sai các quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. “Tôi có đủ cơ sở pháp lý để tin rằng chúng ta sẽ thắng kiện” - Luật sư  Lê Thanh Sơn cho biết.