Việt Nam chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo bà Lê Thị Xuân Quỳnh- Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương- CIEM) , đến năm 2020, Việt Nam phải đạt chỉ tiêu tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 25%. Tuy nhiên, tỷ lệ này đến nay Việt Nam chưa đạt được.
Cần năng cao chất lượng nguồn lao động gắn với tái cơ cấu kinh tế

Cần năng cao chất lượng nguồn lao động gắn với tái cơ cấu kinh tế

Sáng nay (26-4), CIEM tổ chức Hội thảo Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Báo cáo nhận định, thị trường lao động có những cải thiện nhất định. Cụ thể, tỷ lệ lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng; từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ những công việc không ổn định, bấp bênh (lao động tự làm, lao động gia đình không được hưởng lương) sang những công việc mang tính ổn định, bền vững và đảm bảo hơn;

Bên cạnh đó, có sự chuyển dịch lao động từ những ngành nghề đơn giản sang những ngành nghề đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao; từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao hơn.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Xuân Quỳnh, chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp. Năm 2019, việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chủ yếu vẫn là sơ cấp và các hình thức đào tạo dưới 3 tháng (chiếm 75,3%, cao đẳng và trung cấp chỉ 24,7%).

“Việt Nam chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 25% vào năm 2020. Trong đào tạo còn thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành. Vì thế, kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4, chỉ cao hơn Indonesia và Lào”- bà Lê Thị Xuân Quỳnh nói.

Cũng theo đại diện CIEM, lao động Việt Nam đang có dấu hiệu già hóa khi lao động cao tuổi tăng mạnh, lao động trẻ giảm và không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa. Năm 2019, tuổi bình quân là 41 tuổi, tuổi trung vị là 40 tuổi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: sắp xếp mạng lưới trường lớp chưa đi cùng với hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường lớp; xác định các ngành nghề trọng điểm nhưng chưa có chính sách gắn kết giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp; thiếu nguồn lực để thực hiện…

CIEM kiến nghị cần phát triển thị trường lao động gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng các yếu tố đầu vào sản xuất sang tăng trưởng trưởng dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đặt biệt, cần có chính sách tiền lương gắn với năng lực, hiệu quả lao động để khuyến khích lao động, xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá thực hiện công việc (KPI) cho từng vị trí việc làm…