Việt Nam chi nửa tỷ USD mỗi năm nhập khẩu thuốc BVTV: Do không đủ trình độ sản xuất

ANTĐ - Khoảng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm Việt Nam mất khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Có hay không việc nông dân đang lạm dụng các loại thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp? Xung quanh vấn đề này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô.

50% nhập khẩu từ Trung Quốc

- PV: Ông đánh giá như thế nào về thực trạng nhập khẩu thuốc BVTV hiện nay?

- Ông Hoàng Trung: Số liệu 5 tháng đầu năm 2016 chúng tôi có được cho thấy, Việt Nam đã nhập khoảng 39.000 tấn thuốc BVTV với giá trị 286 triệu USD. Và những năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu thuốc BVTV. Trong số này, chiếm 48% là thuốc trừ cỏ (19.000 tấn), còn thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32% (16.400 tấn), ngoài ra còn một lượng thuốc điều hòa sinh trưởng, khoảng 900 tấn. Đáng nói, trong số 16.400 tấn thuốc trừ sâu, trừ bệnh Việt Nam nhập khẩu về, 40% sẽ được tiếp tục gia công, san chiết, đóng gói thành phẩm rồi xuất khẩu đi các nước khác. Như vậy, không thể nhìn vào con số nhập khẩu để quy kết “nông sản Việt Nam đang tắm thuốc”.

- Lượng thuốc BVTV nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm lượng lớn hay không, thưa ông?

- Việt Nam hiện đang nhập khẩu các loại thuốc BVTV từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Đức, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Trong đó, lượng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 50%.

- Tại sao chúng ta không tự sản xuất mà phải nhập khẩu một lượng lớn thuốc BVTV như vậy?

- Hiện tại, Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số loại thuốc trừ sâu, bệnh có nguồn gốc sinh học và thảo mộc. Còn lại, 100% các loại thuốc trừ sâu, bệnh, trừ cỏ có nguồn gốc hóa học phải nhập khẩu vì chúng ta không đủ năng lực, trình độ để sản xuất các loại thuốc này. Hơn nữa, Việt Nam cũng không khuyến khích phát triển ngành công nghiệp này.

Việt Nam chi nửa tỷ USD mỗi năm nhập khẩu thuốc BVTV: Do không đủ trình độ sản xuất ảnh 2Việc nhập khẩu lượng lớn thuốc BVTV không phải do người nông dân lạm dụng các loại thuốc

Không có buôn lậu thuốc BVTV quy mô lớn

- Nhập khẩu lượng lớn thuốc BVTV như vậy có phải do nông dân lạm dụng thuốc trong sản xuất nông nghiệp?

- Những năm gần đây, chương trình phòng chống dịch hại tổng hợp của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Nông dân Việt Nam được tăng cường hiểu biết, ý thức ngày càng nâng cao. Hơn nữa, chi phí mua thuốc BVTV cũng khá đắt, vì vậy nông dân cũng không dại gì bỏ tiền ra mua thuốc về để lãng phí trên đồng ruộng nếu không thực sự cần thiết phải phun. 

- Nhiều người cho rằng, danh mục các hoạt chất thuốc BVTV của Việt Nam hiện quá dài gây khó quản lý?

- Theo danh mục vừa được Bộ NN&PTNT công bố, Việt Nam hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc BVTV với 4.080 thương phẩm. Nhưng theo khảo sát của chúng tôi, trên thị trường chỉ còn khoảng 2.000 thương phẩm (trong đó khoảng 20% là thuốc sinh học, thảo mộc), các loại sản phẩm thuốc còn lại vẫn có trong danh mục nhưng gần như không có hoặc rất ít trên thị trường.

- Vậy tại sao chúng ta không loại bỏ những sản phẩm thuốc không còn hoặc ít được sử dụng để rút gọn danh sách?

- Theo quy định, đây là tài sản của doanh nghiệp đã đăng ký nên chúng ta không thể tự ý loại bỏ được. Tuy nhiên, theo quy định mới của Bộ NN&PTNT, những sản phẩm thuốc BVTV 5 năm liền doanh nghiệp không sử dụng sẽ bị loại ra khỏi danh mục. Năm 2016, chúng ta đã loại khỏi danh mục 386 tên thuốc thương phẩm, dự kiến năm 2017 sẽ loại thêm 256 tên thuốc thương phẩm khác.

- Ông đánh giá thế nào về tình trạng buôn lậu thuốc BVTV trong thời gian gần đây?

- Trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng thuốc BVTV buôn lậu từ 6 tỉnh vùng biên chuyển về cho Cục BVTV xử lý chỉ khoảng 3 tấn. Có thể thấy, tình trạng buôn lậu các loại thuốc BVTV đã giảm mạnh. Đặc biệt, chỉ còn tồn tại tình trạng buôn bán nhỏ lẻ của cư dân biên gới vùng biên và lượng thuốc này cũng chủ yếu để phục vụ hoạt động sản xuất tại chỗ. Tôi khẳng định, tình trạng buôn bán thuốc BVTV lậu quy mô lớn để đưa về trong nước tiêu thụ đến thời điểm này là không có.