Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí giải thích về nguyên nhân dẫn đến án oan sai

ANTD.VN -Trong phiên chất vấn chiều 1-11, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà đã đặt câu hỏi tới Chánh án TANDTC và Viện trưởng Viện KSND TC về vấn đề oan sai trong tố tụng hình sự.

Cũng theo Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng oan, sai là cơ quan tiến hành và người tiến hành tố tụng chưa thực hiện triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội. Do đó, đại biểu này đã đề nghị Chánh án TANDTC và Viện trưởng Viện KSNDTC cho biết việc thực hiện triệt để nguyên tắc này trong toàn ngành toà án và viện kiểm sát thời gian tới.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí cho biết, trong diễn đàn của Quốc hội đã nhiều lần nói về oan sai, bỏ lọt tội phạm. Vấn đề này liên quan đến 2 yêu cầu: Cần phải đấu tranh, tiến công tội phạm nghĩa là không để lọt; Bảo vệ quyền con người không để oan sai.

Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí trả lời chất vấn

 Viện trưởng Lê Minh Trí còn cho rằng, nguyên tắc suy đoán vô tội đã được khẳng định trong Hiến pháp, Bộ luật hình sự, Bộ luật TTHS. Trong 2 yêu cầu trên cần giải quyết, nguyên tắc  suy đoán vô tôi được áp dụng khi chúng ta không đủ chứng cứ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì không thể kéo dài, trả hồ sơ nhiều lần.

Thực tiễn cho thấy có những vụ án viêc trả đi trả lại hồ sơ đã chứng minh được tội phạm, nhưng cũng có vụ án không chứng minh được. Bộ luật TTHS đã quy định, trong trường hợp thực hiện hết các quy trình, thủ tục tố tụng cho phép mà vẫn không chứng minh được tội phạm, không đủ chứng cứ thì sẽ kết luận người đó không phạm tội. 

"Năm 2018 có 6 vụ Tòa án tuyên không phạm tội nhưng Viện kiểm sát đã kháng nghị. Sau khi xem xét, Tòa án đã đồng ý 3 trường hợp theo ý kiến đề nghị truy tố của Viện kiểm sát  và 3 trường hợp đang xem xét" - Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Như vậy, với những trường hợp trên, nếu Viện kiểm sát không kháng nghị bản án đó thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm. Tuy vậy, có với việc chống bỏ lọt, yêu cầu chống oan sai phải được coi trọng hơn 1 chút.

“Về vụ án hiếp dâm một cháu bé ở miền núi tôi không tiện nêu tên nạn nhân, khi các cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm, thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục tố tụng theo quy định nhưng không có chứng cứ trực tiếp vì vụ việc kéo dài nhiều năm nên Viện trưởng VKS  đã đình chỉ vụ án, coi như không có tội. Điều này đã khiến gia đình nạn nhân phải ứng khá dữ dội" - Viện trường Viện KSNDTC Lê Minh Trí nêu ví dụ.