Hồi ức “Hà Nội- Điện biên phủ trên không”:

Viên phi công Mỹ run sợ trước cô gái xứ Mường

ANTĐ - Dòng chảy ký ức của trận đánh Đồi Bù 40 năm trước làm những người con xứ Mường nhớ về Hà Nội 12 ngày đêm khốc liệt. Hồi đó những thông tin hàng ngày về Thủ đô mà dân quân xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, Hòa Bình nhận được thật đau thương. Những mảnh bom B52 trút xuống bệnh viện Bạch Mai nhiều hơn đất đá, phố Khâm Thiên người chết ngổn ngang. Xứ Mường hờn căm nhìn chớp lửa đêm đông, lòng hướng về Hà Nội.

Nữ dân quân Hoàng Thị Bướm năm xưa (thứ 2 hàng đầu bên phải)
trong ngày gặp mặt giữa tháng 12 tại xã Hợp Hòa 

Tọa độ rơi xác F111

Vào khoảng 21h15 tối  22-12-1972, tại cao điểm 833 Đồi Bù, khi Trung đội dân quân Hợp Hòa đang trực chiến thì nghe thấy một tiếng nổ rất to kèm theo một luồng sáng chói trên bầu trời Hà Nội. Ánh sáng chớp lóe kéo dài trong bóng đêm từ hướng Hà Nội lao về phía cao điểm Đồi Bù. Tất cả hô to, máy bay trúng đạn pháo rồi. Bất chợt, những ánh mắt dõi theo phát hiện có một chiếc dù đang rơi về phía Thung Vầu thuộc khu vực Đồi Bù. Mọi người nhận định, máy bay địch bị quân ta bắn cháy, giặc lái đã nhảy dù hòng thoát chết. Trong đêm đông tối đen, Trung đội dân quân ngay lập tức triển khai đội hình bí mật tiến về khu vực xác định tọa độ có giặc lái Mỹ nhảy dù. Đây rồi! Một người thốt lên khi nhìn thấy phần ca bin máy bay cháy rơi trên đồi. Tất cả chiếu đèn pin tìm kiếm phi công nhưng không thấy. Nữ dân quân Hoàng Thị Xô được cử canh gác chiếc máy bay F111 để làm mốc vị trí, rồi tiếp tục truy tìm viên phi công vừa bung dù trước đó.

Sau 1 ngày 2 đêm truy lùng theo dấu tích, đến 7h sáng ngày 24-12-1972, Trung đội dân quân Hợp Hoà đã bắt được tên giặc lái. Viên phi công Mỹ mang hàm đại úy đang run rẩy, kiệt sức trong đám cỏ lau. Trên đường dẫn giải về xã, tên này ra hiệu ý nói còn một đồng đội nữa của hắn cũng rơi đâu đó trong khu rừng. Hắn xin mọi người đi tìm nếu không bạn hắn sẽ bị chết vì đói. Trung đội dân quân tiếp tục truy tìm tên Thiếu tá Mỹ theo như viên phi công nói.

Cho đến ngày 29-12-1972 mới tìm thấy hắn trong bộ dạng tiều tụy, đói khát, toàn thân loang lổ vết máu do muỗi, vắt cắn. Nữ dân quân Hoàng Thị Bướm và Hoàng Thị Xô, cả 2 người đều nhỏ bé, nhưng lại được giao nhiệm vụ thật lớn: Áp giải 2 tên phi công Mỹ trên Đồi Bù về trụ sở xã Hợp Hòa. Về đến trụ sở xã an toàn, kiểm tra thẻ và giấy tờ thấy ghi là Thiếu tá William Winson và đại úy Robert David Raybanger được giao nhiệm vụ ném bom xuống Thủ đô Hà Nội.

“Tay cầm súng trường, tôi dẫn viên phi công về trụ sở xã, hắn cao to hơn tôi rất nhiều, nhưng hắn rất tuân thủ cử chỉ, hành động tôi ra lệnh. Giờ nghĩ lại, khi ấy mà nó vẩy tay thì mình cũng ngã, nhưng trong tay mình có súng ở trên đất nước mình thì không sợ kẻ xâm lược” - bà Hoàng Thị Bướm - nữ dân quân năm xưa tự hào nhớ lại.

Cây đa đại thụ, nơi chở che cho người dân Hợp Hòa

Hoãn đám cưới để gác bầu trời Hà Nội

Vẫn còn đó gốc đa đại thụ rợp bóng lối về xã Hợp Hòa. Đấy là nơi che chở cho dân bản, cũng là nơi lưu giữ ký ức một thời. “Khi máy bay ập đến, dân chúng tôi luôn chọn gốc đa làm nơi tránh bom. Gốc đa vạm vỡ, có thể che chở hàng trăm người. Giờ những vết thương do mảnh bom Mỹ ném năm 1972 vẫn hằn nguyên vết sẹo xù xì như vết thương mãi mãi khó phai trong lòng. Chính gốc đa này cũng là nơi tổ chức đám cưới của cô Bướm và anh Chang khi ấy. Nhưng khi nghe tiếng bom 2 người đã hoãn đám cưới để cùng dân bản đánh Mỹ”- ông Hoàng Văn Lẫy, dân quân Trung đội Hợp Hòa hồi tưởng. 

Lão dân quân Hoàng Thị Xô năm nay đã 65 tuổi, nhà ở bản Suối Cốc, xã Hợp Hòa, bồi hồi nhớ lại: “Đáng lẽ sáng 23-12-1972, Trung đội dân quân chúng tôi hẹn nhau đi lấy củi về để đun cơm nước làm đám cưới cho đôi trẻ Bướm và Chang. Nhưng cấp trên thông báo giặc Mỹ dùng bom B52 đánh phá tan Hà Nội. Ngày vui sẽ trọn vẹn khi im tiếng bom, vậy nên dừng lại ngày cưới để phục vụ chiến đấu, cùng Hà Nội bảo vệ bầu trời. Trong trận đánh này, chú rể tương lai Vũ Văn Chang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Còn cô dâu Hoàng Thị Bướm trở thành một trong những tấm gương dũng cảm, mưu trí bám trận địa, đánh địch”.

Sau trận đánh, đám cưới của đôi vợ chồng trong Trung đội dân quân xã Hợp Hòa đã được tổ chức trọn vẹn trong niềm vui chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm liên tục bị không lực Mỹ điên cuồng đánh phá. Trong ngày cưới của đôi bạn trẻ, niềm vui được nhân lên khi được chứng kiến máy bay trực thăng của quân đội ta cẩu buồng lái chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi trong đêm 22-12-1972 về Hà Nội. 

Hai nữ dân quân Hoàng Thị Bướm và Hoàng Thị Xô bàn giao viên Thiếu tá 
phi công cho dân quân tại xã Hợp Hòa

Ngày gặp mặt của Trung đội dân quân Hợp Hòa mới đây, có cả Đại tá Bùi Phương Diện, cán bộ thuộc Tổng Cục Chính trị - Bộ Quốc Phòng được đơn vị giao nhiệm vụ về Hợp Hòa tìm hiểu tư liệu để chuẩn bị kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Thì ra, chiếc máy bay F111 rơi xuống Đồi Bù là loại máy bay hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ, và đã bị những chiến sỹ tự vệ Công ty Cơ khí Mai Động, Hà Nội bắn cháy khi chúng ngông cuồng ném bom, bắn phá Thủ đô. Tất cả vỡ òa trong niềm vui ngày gặp mặt dưới chân Đồi Bù, nơi có “tình sử” của 2 người trong Trung đội dân quân dừng lễ trọng đại để được cùng hòa vào bản tình ca bất tử “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”.