Viện phí chưa thể tăng ngay

ANTĐ - Theo Thông tư liên tịch số 04 do liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành ngày 29-2-2012 thì bắt đầu từ ngày 15-4 tới đây, giá viện phí mới chính thức được áp dụng tại tất cả các cơ sở y tế trên cả nước. Tuy nhiên, vì mức giá cụ thể được mỗi địa phương tự cân nhắc quyết định nên khả năng viện phí chưa thể tăng ngay.

Viện phí chưa thể tăng ngay ảnh 1
Chất lượng khám chữa bệnh cần được nâng cao. (Ảnh minh họa)


Vừa tăng, vừa đợi

Trong khung giá viện phí mới, có 477 dịch vụ kỹ thuật y tế (chiếm khoảng 12% trong tổng số 4.000 dịch vụ y tế đang được cung cấp) sẽ được áp dụng. Trong đó chỉ có 5 dịch vụ giảm giá, còn lại là tăng giá với khoảng 70% dịch vụ tăng 5 lần so với giá hiện tại, cá biệt một số dịch vụ  tăng đến 20 lần. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế có trách nhiệm quy định mức thu tại các bệnh viện (BV) tuyến Trung ương do Bộ quản lý; UBND tỉnh, thành phố trình HÐND cùng cấp quy định mức thu tại các cơ sở y tế do địa phương quản lý. Vì vậy, giá viện phí mới chỉ được áp dụng sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND các tỉnh/ thành phố phê duyệt khung giá viện phí áp dụng tại các BV trực thuộc quyền quản lý của mình.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Gia Thức, Giám đốc BV Đa khoa Hà Đông cho biết, sớm nhất thì cũng phải từ tháng 6 trở đi, các BV của Hà Nội mới có thể áp dụng khung giá viện phí mới. Nguyên nhân vì các BV còn phải đợi Sở Y tế trình UBND thành phố khung giá viện phí và đợi UBND thành phố phê duyệt, khâu thủ tục này chắc chắn chưa thể hoàn tất trước 6 tháng đầu năm nay. Tương tự, ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc BV ĐK khu vực phố Nối (tỉnh Hưng Yên) cho rằng, vào thời điểm ngày 15-4 tới khả năng các BV trên địa bàn vẫn sẽ áp dụng khung giá viện phí cũ và vừa làm vừa chờ đợi khung giá viện phí mới được UBND địa phương thông qua.

Đáng chú ý, trong khi các BV công lập vừa làm vừa chờ đợi mức giá viện phí mới thì rất nhiều phòng khám, BV tư nhân cũng như các khoa điều trị tự nguyện của các BV công đã sớm tăng giá để đón đầu thời điểm nói trên. Khảo sát của chúng tôi tại Khu điều trị tự nguyện B - BV Nhi Trung ương cho thấy, giá giường bệnh đã tăng từ 300.000 đồng/giường/ngày lên 600.000 đồng/giường/ngày từ đầu tháng 3-2012. Hay tại khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu của BV Bạch Mai, trên bảng niêm yết giá các loại hình dịch vụ có thông báo mới về việc điều chỉnh giá khám bệnh. Theo đó, nếu chọn giáo sư khám là 200.000 đồng/lần (trước là 150.000 đồng), phó giáo sư khám 150.000 đồng/lần (trước là 120.000 đồng), tiến sĩ là 120.000 đồng/lần (trước 100.000 đồng)…

Chất lượng sẽ tăng?

TS. Nguyễn Gia Thức cho biết, về mặt lý thuyết thì việc điều chỉnh tăng giá hơn 400 dịch vụ, kỹ thuật y tế sẽ khiến người bệnh lo lắng trong khi các cơ sở y tế tăng thu, tuy nhiên đặt địa vị của những người làm công tác quản lý BV thì khi khung giá viện phí mới này được áp dụng, sự lo lắng còn nhiều hơn. Nguyên nhân  do giá viện phí tăng nhưng vẫn chưa tính đúng, tính đủ khiến BV khó khăn trong việc tìm nguồn để tăng phụ cấp cho y bác sĩ. Chẳng hạn, một ca phẫu thuật loại 1 theo khung giá mới BV sẽ được thu 560.000 đồng, tuy nhiên chỉ tính riêng tiền chỉ khâu đã là 400.000-500.000 đồng (khoảng 100.000 đồng/sợi chỉ tốt), chưa tính đến tiền công cho một kíp mổ và một kíp gây mê. Hơn nữa, khung viện phí mới quy định 5 loại dịch vụ giảm giá thì phần lớn lại là những dịch vụ sử dụng rất phổ biến, tần suất cao như chụp X-quang (kỹ thuật số), chụp CT cắt lớp… Ông Thức nhấn mạnh, khung viện phí mới thực chất chỉ tăng mạnh giá khám bệnh và tiền giường điều trị.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì khẳng định, viện phí tăng chất lượng khám chữa bệnh chắc chắn sẽ tốt hơn, bởi “đang khám từ 3.000 đồng giờ tăng lên 20.000 đồng/lần thì chất lượng đương nhiên sẽ khác”. Bộ trưởng cho biết, do giá viện phí hiện nay quá thấp nên người bệnh đua nhau vượt tuyến gây quá tải cho các BV tuyến trên, bản thân các BV tuyến trên cũng “bị biến thành BV hạng 2, vì bệnh từ đơn giản đến phức tạp đều tiếp nhận điều trị”. Tuy nhiên, khi áp dụng khung giá viện phí mới, các BV tuyến trên sẽ phải hạn chế thực hiện các kỹ thuật đơn giản vì nếu thực hiện càng nhiều sẽ càng bội chi do khung giá viện phí đã được quy định cụ thể theo từng hạng BV. 

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, một vấn đề nữa khiến cho bệnh nhân luôn phàn nàn với công tác điều trị của các BV chính là do số bệnh nhân ngoại trú đông nhưng đa phần các BV chưa quan tâm đến khoa khám bệnh. Đây là khoa tiếp xúc với bệnh nhân hàng ngày nhiều nhất, đông nhất nhưng phần lớn các BV chỉ bố trí diện tích bé, quy trình và thủ tục khám chữa bệnh còn phức tạp, phiền hà người bệnh. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thì khâu này cần phải cải cách đột phá đầu tiên.