Viện kiểm sát: Bị cáo Vũ thực sự là ông chủ thâu tóm nhà đất

ANTD.VN - Chiều 10-1, phiên tòa xét xử hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và 19 bị cáo tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện kiểm sát (VKS) thực hành quyền công tố trước những quan điểm luật sư nêu ra.

Luật sư cho rằng không đồng phạm

Theo đó, trong vụ án này Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, từ năm 2006-2011); Văn Hữu Chiến (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, từ năm 2011-2014) cùng các bị cáo liên quan lần lượt bị xét xử về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai". Cáo trạng truy tố xác định, các bị cáo trong vụ án đã gây thiệt hại hơn 22.047 tỷ đồng cho Nhà nước.

Tóm tắt quan điểm của các luật sư bào chữa, VKS cho biết, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Trần Văn Minh cho rằng chỉ bán nhà công sản, giao đất các dự án cho các công ty là đối tượng mua nhà và được giao đất chứ không biết đó là bán nhà, giao đất cho Phan Văn Anh Vũ; không có sự thống nhất, bàn bạc, tạo điều kiện cho bị cáo Vũ được hưởng lợi từ việc mua nhà và giao đất các dự án.

Đại diện VKS đưa ra các quan điểm đối đáp trước những quan điểm của luật sư.

Bị cáo Vũ không thừa nhận có quan hệ với bị cáo Minh để xin được tạo điều kiện mua các nhà đất công sản và xin giao đất dự án; thành phố có chủ trương, quy định thì bị cáo xin mua, xin giao đất. Việc bán nhà, giao đất nếu có sai phạm thì là sai phạm của UBND thành phố.

Phan Văn Anh Vũ cũng cho rằng quá trình thưc hiện việc mua nhà, xin giao đất các dự án, bị cáo này đều thực hiện đúng pháp luật. Tại sao lại quy trách nhiệm cho bị cáo đồng phạm với các cán bộ UBND?

Theo VKS, các luật sư cũng cho rằng, hành vi của bị cáo Vũ và một số bị cáo là quan hệ giao dịch dân sự, không liên quan đến nhóm đối tượng quản lý nhà nước. Và nếu có vi phạm trong các giao dịch dân sự này thì chỉ là vi phạm điều cấm nên không đồng phạm với bị cáo Minh.

Đối với các bị cáo là cán bộ, công chức thuộc UBND TP Đà Nẵng, các luật sư cho rằng họ là các cá nhân trong tổ chức thống nhất là UBND thành phố và các sở, ban ngành chức năng, hoạt động theo Luật Tổ chức HĐND và UBND, theo phân công nhiệm vụ và chức năng của mỗi bộ phận cấu thành.

Khi thực hiện các hành vi vi phạm, họ thực hiện như một khâu, một công đoạn của trình tự, thủ tục mà không có sự bàn bạc, thống nhất. Do vậy, không thể coi họ đồng phạm với cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh.

Cái mới, sáng tạo phải phù hợp quy luật

Đối đáp với những quan điểm nêu trên, đại diện VKS khẳng định: “Cán bộ, công chức trong hệ thống các cơ quan Nhà nước, thực hiện chức trách nhiệm vụ, áp dụng pháp luật trong công tác quản lý, điều hành càng phải có ý thức pháp luật cao và gương mẫu chấp hành luật pháp”.

VKS lập luận, bị cáo Minh cho rằng ký ban hành văn bản không phù hợp với pháp luật, cho chuyển tên người nhận quyền sử dụng đất, cho giảm tiền sử dụng đất là sự sáng tạo, mang lại hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của thành phố. Luận điểm này là hoàn toàn không có cơ sở.

VKS khẳng định chủ trương, quyết định của cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh trong vụ án này là trái pháp luật.

Bởi lẽ chính nhiều luật sư cũng đã thừa nhận các chính sách, chủ trương chung đó là trái pháp luật. Hầu hết các bị cáo trong vụ án khi thực hiện hành vi phạm tội đều thừa nhận chủ trương, chính sách chung đó cũng như các chỉ đạo trực tiếp bằng bút phê, công văn, quyết định liên quan đến các hành vi sai phạm bị cáo buộc của bị cáo Minh là trái pháp luật.

“Đối với bị cáo Phan Văn Anh Vũ và các bị cáo khác trong nhóm mà các vị luật sư nêu ra rằng, chỉ tham gia các giao dịch dân sự nhưng họ đều biết rõ đó là các quyết định trái pháp luật” – VKS nhận định. Đại diện cơ quan công tố nhìn nhận, tại tòa, bị cáo Vũ khai chẳng những hiểu rõ các quy định của pháp luật về đất đai, luật kinh doanh bất động sản mà còn am hiểu tất cả pháp luật liên quan. Vì bị cáo lập ra nhiều công ty kinh doanh bất động sản, kinh doanh từ nhiều năm.

Chính vì biết rõ, bị cáo và các công ty của bị cáo lập ra không phải là đối tượng được mua nhà đất công sản, giao đất không qua đấu giá nên bị cáo đã bằng các phương thức vừa trực tiếp quan hệ với lãnh đạo thành phố để xin mua, vừa thông qua các công ty là đối tượng được mua, được giao đất để tác động đến lãnh đạo UBND thành phố nhằm mua được nhà và nhận đất một cách trái pháp luật.

Theo VKS, các luật sư còn ví von, những chủ trương, quyết định sai trái của Trần Văn Minh và một số người liên quan là sự sáng tạo như trong gian khó nảy sinh sáng tạo, “phá rào” trở thành cái mới, cái đột phá. Tuy nhiên, VKS thấy rằng cái mới, cái sáng tạo phải phù hợp quy luật phát triển, có hiệu quả đích thực thì mới được thừa nhận, nhân rộng và được xây dựng thành chính sách, pháp luật.

Trái lại, những chủ trương, quyết định sai trái mà bị cáo Minh ký ban hành trong vụ án đã được xác định là vi phạm pháp luật và buộc phải hủy bỏ. “Không phủ nhận là trong những năm qua, TP Đà Nẵng có những bước phát triển về kinh tế, xã hội nhanh chóng. Nhưng không thể coi đó là do những chủ trương, chính sách trái pháp luật này mà do những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ, sự nỗ lực của nhân dân toàn thành phố và nhiều yếu tố khác quyết định” – VKS khẳng định.

Các cổ đông sáng lập chỉ là danh nghĩa 

Trong vụ án này, VKS đồng tình với ý kiến của một số luật sư nêu ra là các bị cáo thuộc UBND thành phố thuộc về một tổ chức thống nhất, có quan hệ chặt chẽ với nhau, được phân công, phân nhiệm thành từng bộ phận có chức năng, nhiệm vụ khác nhau... theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố và thực hiện công vụ theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ.

Tuy nhiên, các luật sư cho rằng, mỗi người chỉ thực hiện một hành vi độc lập, ở một khâu nhất định, không có sự thống nhất hay cùng chung ý chí nên không đồng phạm với nhau là không chính xác. Bởi lẽ chính tổ chức ấy là điều kiện để tạo nên sự thống nhất về hành vi và sự tiếp nhận ý chí chung và ý chí của người lãnh đạo là bị cáo Minh.

Bác bỏ hầu hết quan điểm của luật sư, VKS khẳng định bị cáo Vũ thực sự là ông chủ thâu tóm nhà đất tại Đà Nẵng.

Sự thống nhất về mặt ý chí giữa các bị cáo là ở chỗ đều nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện hoặc có trường hợp không muốn, nhưng vẫn thực hiện gây hậu quả. Các bị cáo Phan Xuân Ít, một số bị cáo khác và các bị cáo thuộc các sở, ngành đều khai phải phục tùng theo sự chỉ đạo, mệnh lệnh hành chính từ bị cáo Minh, biết rõ việc thực hiện là trái pháp luật.

Quan điểm của nhiều luật sư cho rằng, họ phải phục tùng mệnh lệnh hành chính và thành phố đã có quy định chung nên không phải chịu trách nhiệm hình sự là không có căn cứ. Bởi, các bị cáo đều biết rõ những quy định chung cũng như các văn bản chỉ đạo cá biệt đó là trái pháp luật nhưng vẫn tham mưu, đề xuất. Do vậy các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự.

VKS thấy rằng, từ năm 2002- 2010, Phan Văn Anh Vũ thành lập 5 công ty, đều do Vũ bỏ vốn kinh doanh, chỉ đạo toàn bộ hoạt động. Các công ty trên về hình thức và trên danh nghĩa thì có các cổ đông góp vốn. Nhưng thực chất, các cổ đông khác không có vốn góp mà chỉ đứng tên trên danh nghĩa và tham gia các hoạt động của công ty theo sự chỉ đạo của Vũ. Điều này được chứng minh bằng lời khai các thành viên góp vốn.

Theo đại diện VKS, giữa bị cáo Vũ và một bị cáo liên quan có sự thống nhất chung trong công việc, cách thức để xin mua nhà, xin giao đất các dự án, để bị cáo Vũ là ông chủ thực sự của các công ty thâu tóm được nhà, đất công sản và các dự án đất như nội dung cáo trạng đã truy tố.

Bản thân bị cáo Vũ đứng tên và ký nhiều thủ tục, tờ trình, đơn xin chuyển đổi tên trong một số dự án đất, nhà công sản mà bị cáo Minh là người quyết định giải quyết bán nhà, giao đất dự án cho bị cáo Vũ nhưng lại nói không biết là bán nhà, giao đất cho Vũ là điều vô lý.

Đại diện VKS cho rằng, có đủ cơ sở để xác định, giữa các bị cáo Trần văn Minh, Phan Văn Anh Vũ và các bị cáo khác trong vụ án đã có sự câu kết, thống nhất cùng nhau thực hiện tội phạm. Sự câu kết, thống nhất cùng thực hiện tội phạm của các bị cáo thể hiện thông qua phương thức, thủ đoạn có tính hệ thống của các hành vi diễn ra liên tiếp trong một thời gian dài, có chung nhận thức chủ quan, chung ý chí và mục đích của việc thưc hiện tội phạm.