Viêm dạ dày do vi khuẩn Helicobacter Pylori

ANTĐ - Hỏi: Con gái tôi 6 tuổi, gần đây thường kêu đau bụng. Tôi đưa đi khám thì được biết cháu bị viêm hang vị dạ dày và dương tính với vi khuẩn Helicobacter Pylori. Tôi rất lo lắng khi được biết vi khuẩn này gây ung thư dạ dày. Xin bác sĩ cho biết cách điều trị như thế nào hiệu quả nhất.

Trả lời: Tỷ lệ viêm loét dạ dày - tá tràng ngày càng tăng ở Việt Nam, bệnh chiếm khoảng 26% và thường đứng đầu trong các bệnh ở đường tiêu hóa và thủ phạm chính gây ra căn bệnh này chính là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) lên tới 95%. Đáng báo động là gần đây có rất nhiều trẻ em bị nhiễm vi khuẩn HP. 

Vi khuẩn HP sống dưới lớp nhầy niêm mạc dạ dày và sản xuất ra catalase, protease, ngoại độc tố, các chất này làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm loét dạ dày tá tràng và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như hẹp môn vị, thủng ổ loét, xuất huyết da dày, nếu không cấp cứu kịp có thể gây tử vong. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm vi khuẩn này cũng phát triển thành ung thư dạ dày.

Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh về tiêu hóa thường gặp, nguồn bệnh gần đây người ta tìm thấy do vi khuẩn HP. Tỷ lệ nhiễm bệnh có sự khác nhau giữa các nước. Ở Việt Nam, viêm dạ dày mạn tính là bệnh khá phổ biến trong nhân dân, chiếm khoảng 31% - 65% các trường hợp nội soi đường tiêu hóa trên, trong đó tỷ lệ nhiễm HP chiếm 63- 94,8%. Bệnh thường gặp ở cả nam và nữ, lứa tuổi mắc bệnh nhiều là từ 40-49 tuổi, tỷ lệ nhiễm HP trong viêm dạ dày mạn tính là 53,33%.  

Các công trình nghiên cứu gần đây của các nhà tiêu hóa đã chứng minh rằng, tiệt trừ thành công vi khuẩn HP sẽ làm giảm tần suất tái phát viêm loét dạ dày và giảm rõ rệt nguy cơ mắc ung thư dạ dày.Tuy nhiên bệnh nhân rất dễ tái nhiễm do vi khuẩn HP tồn tại trong bựa răng, nước bọt, dễ lây nhiễm qua ăn uống.  

Vì vậy, khi phát hiện có nhiễm H.P và có triệu chứng viêm loét DD-TT, cần tiến hành điều trị sớm và triệt để  bằng các phác đồ kháng sinh kết hợp với thuốc giảm tiết acid. Và trong những trường hợp kháng thuốc này, bác sĩ bắt buộc phải phối hợp thêm nhiều kháng sinh. Theo đó phải sử dụng phối hợp và đúng liều 2 kháng sinh hiệu quả và ít bị kháng thuốc trong cộng đồng tối thiểu trong 7 ngày; có thể phải kết hợp với các thuốc kháng tiết axít mạnh để tạo điều kiện tối ưu cho kháng sinh phát huy tác dụng.