Việc triển khai “lớp học tương tác”: Cần sự đồng thuận

(ANTĐ) - Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cần kiểm  tra và có ý kiến đánh giá về mô hình này, nếu nó thực sự có tác dụng tốt thì cần sớm được triển khai, nhân rộng, không nên vì ý kiến phản đối của số ít phụ huynh mà làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận phương pháp học mới hiện đại của đa số các em học sinh khác.                                      

Việc triển khai “lớp học tương tác”: Cần sự đồng thuận

(ANTĐ) - Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cần kiểm  tra và có ý kiến đánh giá về mô hình này, nếu nó thực sự có tác dụng tốt thì cần sớm được triển khai, nhân rộng, không nên vì ý kiến phản đối của số ít phụ huynh mà làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận phương pháp học mới hiện đại của đa số các em học sinh khác.                                      

Bảng tương tác đã được lắp đặt tại lớp học tương tác
Bảng tương tác đã được lắp đặt tại lớp học tương tác

Lớp học tương tác là gì?

Tiếp xúc với phóng viên ANTĐ, ông Nguyễn Văn Sáng - ở phường Thành Công, quận Ba Đình cho biết: “Tôi có đứa cháu năm nay vào lớp 1 trường Tiểu học Thành Công B. Ngay tại cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm, chúng tôi được nhà trường thông báo cả khối 1 sẽ được tham gia chương trình lớp học tương tác. Để được học theo chương trình này mỗi cháu phải nộp 2,5 triệu đồng cho 5 năm học. Số tiền này sẽ được thu 2 lần trong năm học đầu tiên”…

Cũng theo ông Sáng, “mặc dù  theo nhà trường việc tham gia chương trình học này dựa trên tinh thần tự nguyện song trên thực tế, nhiều người không đồng ý cũng khó có sự lựa chọn nào khác vì chẳng lẽ lại cho con chuyển trường. Bên cạnh đó, do số tiền phải nộp không phải là nhỏ, lại đóng hoàn toàn trong năm đầu tiên nên đã khiến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn lo lắng. Mặt khác, lớp học tương tác là chương trình mới nên nhiều phụ huynh tỏ ra băn khoăn, nghi ngờ về chất lượng dạy và học của cô và trò. Một số người đặt câu hỏi: Chương trình lớp học tương tác đã được cơ quan quản lý về giáo dục cho phép hay kiểm tra về chất lượng hay chưa, đơn vị cung cấp và lắp đặt thiết bị phục vụ cho chương trình này có đảm bảo về tư cách pháp lý cũng như chất lượng sản phẩm cung cấp ”…

Được biết, đơn vị cung cấp thiết bị lớp học tương tác cho trường Tiểu học Thành Công B là Trung tâm Công nghệ giáo dục - Công ty CP Thế giới máy tính có trụ sở tại Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Theo giới thiệu của công ty này, lớp học tương tác là “việc tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, cho phép giáo viên tạo ra bài giảng điện tử hấp dẫn với hình ảnh, âm thanh trực quan, sinh động và dễ dàng kiểm soát sự tiếp thu của học sinh. Học sinh có thể trực tiếp tương tác vào bài giảng. Nội dung bài giảng dễ hiểu, gần gũi với thực tế, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả của tiết học”… Những thiết bị chủ yếu được lắp đặt tại lớp học tương tác là bảng tương tác (sử dụng công nghệ cảm ứng điện từ), phần mềm soạn giáo án điện tử, thiết bị kiểm tra trắc nghiệm…

Nhà trường không ép buộc phụ huynh…

Để có thông tin về dự án lớp học tương tác, chiều 9-9 chúng tôi đã có buổi làm việc với bà Phạm Thị Yến - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B. Theo bà Yến, “mô hình lớp học tương tác đã được triển khai tại một số trường tại Hà Nội và có hiệu quả khá tốt. Bản thân tôi đã cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GDĐT quận Ba Đình tham gia một số cuộc hội thảo do nhà cung cấp thiết bị tổ chức và cảm thấy khá hài lòng.

Tôi cũng đã thăm dò ý kiến giáo viên trong toàn trường về chương trình này và toàn bộ giáo viên đều hào hứng và đồng ý tham gia. Cần nói rõ rằng lớp học tương tác là việc đưa phương tiện kỹ thuật hiện đại vào phục vụ giảng dạy và học tập để đạt hiệu quả cao nhất chứ không phải là dạy theo một chương trình khác. Chương trình dạy và học do Bộ GD&ĐT ban hành vẫn được tuân thủ triệt để”.

Cũng theo bà Yến, “do lớp học tương tác là mô hình mới nên chúng tôi rất thận trọng. Trước khi triển khai, nhà trường đã mời toàn bộ phụ huynh khối 1 tham gia hội thảo về lớp học tương tác để họ có thể hiểu rõ về chương trình này, cùng tham gia thảo luận cụ thể về phương thức thực hiện cũng như mức độ đóng góp do nhà cung cấp thiết bị đưa ra.

Tại cuộc họp này, sau khi xem xét hợp đồng và tính toán mức phí mua thiết bị phục vụ cho lớp học tương tác cũng như phí cấp quyền sử dụng phần mềm cho số học sinh được sử dụng của mỗi lớp, đại diện của 8 lớp khối 1 đã thống nhất mức phí 2.500.000đ/học sinh/5 năm được đóng làm 2 đợt trong năm học đầu tiên. Tuy vậy, trước khi ký kết hợp đồng chính thức với nhà cung cấp, chúng tôi tiếp tục xin ý kiến của từng phụ huynh 1 lần nữa bằng văn bản. Đến thời điểm hiện tại, căn cứ vào phiếu thu thập ý kiến của phụ huynh chỉ có 3/425 phụ huynh không đồng ý tham gia lớp học này”…

Bà Yến khẳng định: “Việc xây dựng lớp học tương tác cho khối 1 để phục vụ việc học cho học sinh, giúp các em có điều kiện tiếp xúc với cách giảng dạy hiện đại, dựa trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện của phụ huynh học sinh. Đối với những gia đình học sinh không đồng ý cho con em mình theo lớp học tương tác nhà trường sẽ xếp lớp riêng vì hiện vẫn còn 2/8 lớp học chưa lắp đặt thiết bị.

Tuy nhiên con số này nếu quá ít sẽ gây khó khăn cho nhà trường trong việc tổ chức lớp học riêng. Chúng tôi vẫn mong muốn được gặp từng phụ huynh phản đối, lắng nghe ý kiến, giải đáp thắc mắc của họ để có thể đạt được sự đồng thuận của 100% phụ huynh. Hiện nay, nhà trường đã hoàn thành việc tập huấn đối với giáo viên nhưng vẫn chưa ký hợp đồng với nhà cung cấp thiết bị”…

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cần kiểm  tra và có ý kiến đánh giá về mô hình này, nếu nó thực sự có tác dụng tốt thì cần sớm được triển khai, nhân rộng, không nên vì ý kiến phản đối của số ít phụ huynh mà làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận phương pháp học mới hiện đại của đa số các em học sinh khác.                                      

Huệ Linh