Việc ly hôn khi con dưới 36 tháng tuổi

ANTD.VN - Hỏi: Tôi và chồng lấy nhau đã được 5 năm và có một con nhỏ 32 tháng tuổi. Hiện nay, tôi thấy khó có thể tiếp tục cuộc hôn nhân này nên muốn ly hôn. Mặc dù vợ chồng tôi đăng ký thường trú ở Mê Linh nhưng thực tế chồng tôi lại sống ở Hà Nội và không ở ổn định một chỗ nào. Vì thế, tôi không biết phải gửi đơn ly hôn tới đâu và tôi có quyền được nuôi con không? Tạ Thị Phượng (Mê Linh, Hà Nội).

Luật sư Giang Hồng Thanh

Trả lời: Theo quy định của pháp luật, có hai hình thức ly hôn là thuận tình và không thuận tình (hay còn gọi là đơn phương). Do chị không nói rõ chồng chị có chấp nhận và đồng ý ly hôn hay không nên chúng tôi xin nêu ra cả hai trường hợp để chị tham khảo, vận dụng.

Cụ thể, thuận tình ly hôn là việc hai vợ chồng cùng thống nhất về cả ba vấn đề gồm: Chấm dứt quan hệ hôn nhân; thỏa thuận việc nuôi con chung và thỏa thuận phân chia tài sản chung (nếu có tài sản). Nếu chồng chị thuận tình ly hôn thì việc giải quyết ly hôn của chị sẽ rất dễ dàng.

Trong trường hợp này, hai vợ chồng chị có thể lựa chọn Tòa án cấp huyện hoặc quận nơi chị đăng ký thường trú hoặc Tòa án quận/huyện nơi hai vợ chồng hoặc một trong hai người đang cư trú để giải quyết. Còn đơn phương ly hôn là việc hai vợ chồng không thể thống nhất về ít nhất một trong ba vấn đề nêu trên.

Điều này đồng nghĩa với việc chị phải gửi đơn ly hôn tới Tòa án nơi chồng chị đang cư trú hoặc nơi chồng chị làm việc. Nếu chị không biết địa chỉ hiện tại của chồng thì việc đầu tiên chị phải thực hiện là tìm, xác minh địa chỉ nơi ở hoặc nơi làm việc của chồng chị để viết vào đơn khởi kiện. Thực tiễn cho thấy, đơn phương ly hôn đôi khi gặp khá nhiều khó khăn nếu bị đơn thiếu sự hợp tác, đồng thời phải trải qua một trình tự, thủ tục khá chặt chẽ.  

Về việc nuôi con 32 tháng tuổi, theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Theo đó, đến thời điểm xét xử vụ án ly hôn của vợ chồng chị mà con chị chưa đủ 36 tháng tuổi thì Tòa án sẽ giao cho chị trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền được nuôi con chung, chị cần phải chứng minh được chị có đủ các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy bảo con như: có thu nhập ổn định và bảo đảm, có nhà ở hợp pháp (kể cả thuê hoặc được cho mượn, cho ở nhờ), có khả năng cho con đi học khi tới tuổi và khi ốm đau được thuốc thang, điều trị… 

Ngoài ra, cũng cần lưu ý thêm với chị là cùng với việc giải quyết ly hôn, phân định quyền nuôi con chung thì Tòa án còn giải quyết cả vấn đề tài sản chung (nếu có). Về nguyên tắc, mọi tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản của vợ chồng, trừ trường hợp được cho, tặng riêng; nhận thừa kế riêng hoặc có thỏa thuận khác. Khi phân chia, các tài sản chung của vợ chồng chị sẽ được chia làm đôi, song tòa án có xem xét tới yếu tố đóng góp cũng như công sức của từng người trong khối tài sản chung ấy.