Việc gia đình bé gái người Việt bị sát hại tại Nhật Bản xin chữ ký có giá trị pháp lý thế nào?

ANTD.VN - Chín tháng sau khi cảnh sát Nhật Bản bắt được nghi phạm Yasumasa Shibuya bị cho là đã xâm hại và sát hại bé gái người Việt tên Lê Thị N.L, gia đình nạn nhân hiện đang nỗ lực xin 50.000 chữ ký của người dân tại cả Nhật Bản và Việt Nam để yêu cầu xử lý nghi phạm ở mức cao nhất.

Trong những ngày qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều nội dung hưởng ứng lời kêu gọi của gia đình bé Lê Thị Nhật Linh – nạn nhân bị sát hại tại Nhật Bản cuối tháng 3-2017, trong đó đề nghị mọi người ký tên vào nội dung yêu cầu xử lý nghi phạm ở mức cao nhất (tử hình).

Thông tin ở những nội dung này cho rằng, hiện nay, nghi phạm Yasumasa Shibuya đang giữ im lặng nên “theo luật pháp Nhật Bản, tòa án chưa thể kết tội”. Do vậy, lời kêu gọi đề nghị mọi người ký tên nhằm thúc đẩy việc xử án nghi phạm.

Một bản xin chữ ký được đặt tại quán cafe ở Hà Nội

Để làm rõ thông tin sự việc, PV Báo ANTĐ đã liên hệ với nhà báo N.C.P – người có hơn 3 năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản (nhà báo P. đề nghị ẩn danh).

Trao đổi với PV Báo ANTĐ, nhà báo N.C.P cho biết, theo thông tin của những người am hiểu về luật pháp Nhật Bản, với việc cơ quan chức năng ở nước này đã thu thập đầy đủ chứng cứ của vụ sát hại thì việc khởi tố bị can đối với Yasumasa Shibuya là chắc chắn sẽ xảy ra. Do vậy, thông tin cần có đủ chữ ký mới khởi tố và kết tội được nghi phạm này là chưa chính xác.

“Ngay trong nội dung thông tin mà gia đình anh Hào, chị Nguyên (bố mẹ bé Linh – PV) gửi đi, cũng nói rõ rằng việc họ xin chữ ký của cộng đồng người Nhật Bản và Việt Nam là nhằm yêu cầu áp dụng hình phạt cao nhất cho kẻ thủ ác, một khi đã chứng minh được tội của hắn. Đây là điều mấu chốt, chứ không phải xin chữ ký để đi tới khởi tố”, nhà báo P. nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, với kinh nghiệm làm việc của mình tại Nhật Bản, nhà báo P. cho rằng, luật pháp của nước này hạn chế áp dụng hình phạt tử hình trong những vụ án có số lượng nạn nhân là một người.

“Họ thường sẽ áp dụng hình phạt nặng nhất đối với tội phạm giết người hàng loạt, số lượng nạn nhân lớn, có những yếu tố gây bức xúc xã hội… “, anh P. chia sẻ thêm.

Về khả năng tác động của các chữ ký tới vụ án, nhà báo nói trên cho rằng việc này vẫn rất cần sự đánh giá của các luật sư có kinh nghiệm và hiểu biết về luật pháp nước sở tại.

Hiện PV Báo ANTĐ đang tiếp tục liên lạc với một luật sư Nhật Bản giàu kinh nghiệm để có thêm câu trả lời rõ ràng nhất gửi tới độc giả.

Dưới đây là video clip phỏng vấn nhà báo N.C.P: