Việc công khai danh tính người nhiễm Covid-19 được quy định ra sao?

ANTD.VN -Những ngày qua, danh tính của một số bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã được đăng tải công khai trên nhiều văn bản, mạng xã hội. Lợi dụng điều này, một số cá nhân đã có hành vi công kích, lăng mạ, chửi bới người nhiễm bệnh, gây ảnh hưởng xấu đến chính người đó và dư luận xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi: “Việc tiết lộ danh tính người nhiễm Covid-19 có phạm luật”?

Phân tích sự việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Khoản 3 Điều 33 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định, thầy thuốc, nhân viên y tế giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.

Do đó, để đảm bảo quyền riêng tư cá nhân cơ quan chức năng không nên công khai tên tuổi, hình ảnh của bệnh nhân (trừ trường hợp đặc biệt).

Song, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, lại là bệnh dễ lây lan thì việc công bố danh tính, lộ trình di chuyển của bệnh nhân Covid-19 hoặc người bị cách ly là cần thiết. 

Bởi, khi dịch bệnh xảy ra, trong hàng loạt biện pháp được triển khai thì việc công bố các thông tin liên quan đến bệnh nhân đã nhiễm bệnh hoặc có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh là một trong những nguyên tắc phòng dịch.

Việc công khai người nhiễm hoặc đã bị cách ly y tế bắt buộc để người dân ở cùng khu vực, cùng nơi công tác được biết đó là ai, ở địa chỉ nào, từng đi những nơi đâu, trên chuyến bay, chuyến xe nào để họ có biện pháp bảo vệ cho bản thân, gia đình.

"Tuy vậy, việc một số đối tượng lợi dụng những thông tin này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm" - Luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.

Khoản 5 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nghiêm cấm việc phân biệt đối xử và đưa thông tin, hình ảnh tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

“Thông tin tiêu cực” có thể hiểu là thông tin mà từ đó có thể xâm hại danh dự, nhân phẩm của người khác, hoặc đưa hình ảnh của họ lên mạng để chửi bới, lăng mạ, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người nhiễm bệnh. Đối tượng thực hiện hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, phải bồi thường vật chất, tinh thần cho bị hại và gỡ bỏ những thông tin tiêu cực, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự - Luật sư Nguyễn Thị Thu nhận định.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, ở một góc độ nào đó, việc đưa danh tính, hình ảnh của bệnh nhân và những người liên quan lên báo chí có thể khiến việc tìm kiếm, phát hiện bệnh nhân mới khó khăn hơn do gieo rắc tâm lý sợ hãi bị phát hiện.

Bởi với những người chưa đủ hiểu biết về dịch bệnh khi có triệu chứng hay dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, họ thường hoang mang, sợ bị kỳ thị nên trốn tránh đi khám và làm xét nghiệm, gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Còn với những người am hiểu, có ý thức về mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19, họ sẽ tự nguyện thông báo với cơ quan y tế để được kiểm tra, chẩn đoán xem mình có bị nhiễm virus không.

Do vậy, cơ quan y tế muốn công bố rộng rãi thông tin cá nhân của người bệnh cần cân nhắc kỹ, nên thông qua ý kiến của người bệnh hoặc viết tắt tên, làm mờ hình ảnh khi đăng tải.