Cứ nổi đóa như thế, Công Phượng có xứng làm đội trưởng?

ANTD.VN - Hai tình huống nóng nảy phải nhận vàng liên tiếp đặt câu hỏi về việc Công Phượng có xứng đáng với tấm băng đội trưởng HAGL đang mang? Và liệu nó có giúp anh điềm tĩnh và khôn ngoan hơn trên hành trình vươn tới tấm băng đội trưởng đội tuyển quốc gia?

Vòng 18 cuối tuần trước, trong tình thế đang dẫn chủ nhà HAGL 4-2, thủ môn Tuấn Mạnh của Khánh Hòa sau một pha va chạm đã chủ động nằm sân để chờ sự trợ giúp của nhân viên y tế. Cho rằng thủ môn đội khách cố tình câu giờ, Công Phượng với vẻ mặt bực tức đã lao tới có nhiều lời nói thiếu kiềm chế và chọc mũi giày vào người đàn anh đồng thời là đồng đội trên đội tuyển quốc gia đang nằm sân, để rồi bị trọng tài rút thẻ vàng. 

Nhiều người thậm chí đã bật cười trước sự ngây thơ của Công Phượng khi phản ứng hành động (được cho là) câu giờ của Tuấn Mạnh. Có thể chia sẻ với sự nôn nóng của Công Phượng khi đội nhà đang bị dẫn 4-2 và thời gian còn lại của trận đấu không còn nhiều, song Tuấn Mạnh cũng có lý do để nằm sân, kéo dài thời gian trong khuôn khổ cho phép của luật.

Video: Tình huống đồng đội phải can ngăn không cho Công Phượng ẩu đả với Quang Tình

Hành động câu giờ, hay rộng hơn là tiểu xảo, là một phần của bóng đá, thậm chí có người còn cho rằng nhờ nó mà môn thể thao này thú vị hơn.

World Cup 2018, người ta thống kê tiền đạo Neymar của Brazil đã dành tới... 14 phút chỉ để nằm sân, ăn vạ và câu giờ. Thế nhưng, "kịch sỹ" này vẫn được nhiều đồng nghiệp đàn anh bảo vệ, bởi đơn giản cầu thủ có quyền làm những gì có lợi cho đội bóng và trong khuôn khổ luật cho phép.

Neymar hay thủ môn Tuấn Mạnh có quyền nằm sân để kéo dài thời gian sau một pha va chạm với đối thủ. Công Phượng cũng hoàn toàn có quyền đề nghị đồng nghiệp phải chơi fair-play, nhưng không phải bằng cách dùng lời lẽ thiếu kiềm chế và chọc mũi giày vào đồng nghiệp đang nằm sân.

Cùng ứng xử với một tiểu xảo, nhưng khác biệt nằm ở chỗ, Tuấn Mạnh và Neymar có "cái đầu lạnh" và làm chủ cảm xúc, hành động theo hướng có lợi cho đội nhà, còn Công Phượng thì không.

Để xứng với băng đội trưởng, ngoài chuyên môn, Công Phượng còn cần một cái đầu lạnh

Sau lời xin lỗi về hành động thiếu kiềm chế với Tuấn Mạnh, tuần này, đội trưởng Công Phượng lại nổi nóng, thậm chí còn suýt ẩu đả với Quang Tình bên phía Cần Thơ, sau một tình huống cài người của Phượng bị đàn anh đồng hương này phản ứng lại.

Điểm chung của hai thẻ vàng liên tiếp Công Phượng phải nhận qua 2 vòng đấu là sự nôn nóng, thiếu kiềm chế mà theo lý giải của HLV Dương Minh Ninh là do "ức chế dẫn đến mất kiểm soát hành vi".

Va chạm trong bóng đá là điều khó tránh với bất cứ cầu thủ chuyên nghiệp nào, thế nhưng cách ứng xử với va chạm để không mang thiệt vào thân và thiệt cho đội nhà thì không phải cầu thủ nào cũng làm được. Bóng đá Việt cũng như bóng đá thế giới chứng kiến vô số trường hợp cầu thủ vì nóng nảy dẫn đến hành động bộc phát bị đuổi khỏi sân, gây tai họa cho đội nhà.

Tấm băng đội trưởng liệu đã thích hợp với Công Phượng?

Công Phượng là một tiền đạo được đánh giá là trụ cột tương lai của đội tuyển Việt Nam. Từng có ý kiến nên trao băng đội trưởng đội tuyển cho tiền đạo 23 tuổi này nhưng đều sớm bị gạt đi bởi thiếu sự đồng tình ủng hộ.

Tấm băng đội trưởng, ngoài chuyên môn thì người đảm nhận nó còn phải có uy tín và sự điềm tĩnh cao độ, vào sân với một "trái tim nóng" nhưng luôn phải giữ "cái đầu lạnh" để điều tiết lối chơi cũng như tinh thần, cảm xúc của toàn đội chứ chẳng ai trao băng thủ quân cho một cầu thủ dễ nóng nảy, mất kiểm soát hành vi và đe dọa tới thành bại của đội nhà bằng những tấm thẻ phạt không đáng có.

Hai tình huống nóng nảy phải nhận vàng liên tiếp đặt câu hỏi về việc Công Phượng có xứng đáng với tấm băng đội trưởng HAGL đang mang? Và liệu nó có giúp anh điềm tĩnh và khôn ngoan hơn trên hành trình vươn tới tấm băng đội trưởng đội tuyển quốc gia như kỳ vọng của người hâm mộ?