Video quảng cáo giúp lấy lại tiền đã bị lừa đảo tràn ngập mạng xã hội, coi chừng bị lừa lần nữa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Các video quảng cáo giúp lấy lại tiền lừa đảo liên tục hiển thị trên Facebook dù người dùng không tìm kiếm các nội dung liên quan.
Hình ảnh video quảng cáo giúp lấy lại tiền lừa đảo trên mạng xã hội

Hình ảnh video quảng cáo giúp lấy lại tiền lừa đảo trên mạng xã hội

Anh Quang Huy (Hà Đông- Hà Nội) cho biết: “Nhiều ngày liền, tôi truy cập Facebook đều thấy có video 1 Thượng úy Công an đang nói sẽ lấy lại giúp tiền của những người đã bị lừa đảo trực tuyến. Nhân vật trong video mặc quần áo cảnh sát, rất đẹp trai, mặt mũi, đầu tóc, nước da đẹp từng góc cạnh và không tì vết. Cử động mặt khi nói khá cứng nhắc và chậm”.

Theo anh Huy, dưới phần bình luận, hàng nghìn người nhờ lấy lại tiền và cảm ơn Thượng úy Cảnh sát đã giúp họ lấy lại tiền. Một số khác lại “trình bày hoàn cảnh” của mình mong được giúp đỡ.

Tương tự, chị Hà My (Long Biên- Hà Nội) cũng cho hay, Facebook của chị My mới đây hiện lên tài khoản ghi là được tài trợ mang tên “Xử lý hồ sơ thu hồi vốn treo”.

Nhóm này quảng cáo “dịch vụ toàn quốc- phí trả sau, lấy lại tiền bị lừa trên các APP và sàn online. Chúng tôi nhận hỗ trợ lấy lại tiền cho những ai đã tham gia qua các sàn thương mại online. Lấy lại tiền kẹt trong các app, sàn chứng khoán, app tình yêu hẹn hò…”.

Nhóm này cam kết lấy lại ít nhất 80% số vốn ban đầu, lấy lại trực tiếp về tài khoản giao dịch, phí trả sau từ 5-8%. Kèm theo những lời giới thiệu trên là clip nhân vật nữ ăn mặc trang phục như luật sư đang ngồi làm việc. Trên bàn làm việc có biển tên: “THS LS Nguyễn Thị Kiều Trang”.

Tương tự như video clip anh Huy kể, các đường nét trên khuôn mặt nhân vật quá nét, không tì vết và cử động khuôn mặt khi nói rất chậm chạp, cứng nhắc.

Đáng chú ý, trong phần bình luận, nhiều bình luận lại dẫn dắt người dùng đến đường link của người được xưng là luật sư Dương Lê Ước An, kèm số điện thoại liên lạc. Gọi vào số điện thoại này, máy vẫn đổ chuông bình thường.

Video thu hút hơn 1.800 bình luận, trong đó có rất nhiều bình luận có nội dung cảm ơn luật sư đã lấy lại được tiền, có nói đã lấy lại được tiền sau hơn 3 tháng… Những comment này dường như làm tăng lòng tin của người dùng và thu hút thêm hàng nghìn trường hợp nhờ giúp đỡ khác.

Đương nhiên, những nội dung bình luận trên mạng này rất khó để phân biệt là thật hay giả.

Đáng chú ý, nhiều chuyên gia cho rằng, hình ảnh trong clip là cắt ghép hoặc sử dụng công nghệ AI, Deepfake nên khuôn mặt và hoạt động của nhân vật cứng nhắc, không tự nhiên.

Do đó, đây cũng có thể là clip được phát tán bởi các nhóm lừa đảo.

Cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo người dân về dịch vụ lấy lại tiền đã bị lừa đảo là trò lừa đảo. Tuy nhiên, không ít người vẫn có tâm lý “còn nước còn tát” nên tìm kiếm mọi sự giúp đỡ.

Mới đây, ngày 28-5, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An tiếp nhận trình báo của một phụ nữ hơn 50 tuổi ngụ ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 600 triệu đồng qua mạng xã hội.

Theo đơn trình báo, trước đó người phụ nữ này nhận tin nhắn qua Messenger của một người quen.

Người này gọi điện trò chuyện, gọi đúng tên của bà và một số người thân trong gia đình nên bà tin tưởng, chuyển cho người gọi điện số tiền 6 triệu đồng.

Sau đó, người phụ nữ này phát hiện tài khoản Facebook của mình đã bị đối tượng xấu chiếm đoạt và người vay tiền không phải là người quen mà đó là chiêu trò lừa đảo của tội phạm.

Ngay sau đó, nạn nhân thấy Fanpage mạo danh Cục An ninh mạng (Bộ Công an) đăng bài cảnh báo cùng với lời giới thiệu "hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa đảo".

Do tin rằng trang này là chính thống, nạn nhân đã nhắn tin, trình bày với mong muốn lấy lại được tiền đã mất. Sau khi tạo một tài khoản theo đường link được gửi và thực hiện các thao tác do "cán bộ cục an ninh" hướng dẫn, người phụ nữ này thấy tài khoản của mình báo nhận được 1,5 triệu đồng.

Tiếp đó, bên kia, "cán bộ cục an ninh" khẳng định số tiền đã về tài khoản nhưng do vướng thủ tục tất toán, đề nghị bà nộp một khoản tiền "bảo đảm" để rút về. Số tiền này sẽ được hoàn trả lại.

Người phụ nữ này sau đó đã làm theo hướng dẫn và đã chuyển khoản nộp 600 triệu đồng cho "cán bộ cục an ninh". Nạn nhân đã bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên.

Để ngăn chặn tình trạng trên tiếp tục tái diễn, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) khuyến cáo người dân tuyệt đối không tin tưởng và sử dụng những dịch vụ trên mạng xã hội; Không thực hiện giao dịch hay chuyển tiền khi chưa xác minh được rõ danh tính của đối tượng, đặc biệt là những dịch vụ "lấy lại tiền bị lừa đảo";

Cảnh giác với các trang mạng xã hội, những cuộc gọi hoặc tin nhắn giả danh cán bộ công an, cơ quan nhà nước hay luật sư. Không cung cấp thông tin cá nhân hay tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức.

Trường hợp nghi vấn hay phát hiện ra các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết và xử lý kịp thời.