Toàn bộ diễn biến vụ đoàn thành tra Bộ Xây dựng "vòi tiền" ở Vĩnh Phúc

ANTD.VN - Vào ngày 12-6 vừa qua, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã lập biên bản đối với hành vi “vòi tiền” hàng tỉ đồng của thanh tra Bộ Xây dựng, khi thanh tra tại huyện Vĩnh Tường. Các cuộc thành tra đều theo kế hoạch của Bộ, nhưng với huyện Vĩnh Tường thời gian kéo dài hơn 1 tháng.

Theo Quyết định số 1369/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng, ngày 24-10-2018 “ban hành kế hoạch thanh tra năm 2019”, đoàn thanh tra kiểm tra công tác quy hoạch quản lý thực hiện quy hoạch và hoạt động đầu tư xây dựng tại thành phố Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) với các phạm vi, nội dung sau: Công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch dược duyệt, công tác cấp phép xây dựng, quản lý sau cấp phép và công tác quản lý đầu tư xây dựng tại một số dự án trên địa bàn.

Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) nơi xảy ra vụ việc Thanh tra Bộ Xây dựng "vòi tiền"

Các cuộc thanh tra định kỳ này đều nằm trong kế hoạch của Bộ, nhưng riêng thời gian thanh tra tại huyện Vĩnh Tường lại kéo dài hơn 1 tháng. Đến ngày 12-6, đoàn thanh tra này bị Công an huyện Vĩnh Tường lập biên bản về hành vi “vòi tiền” chung chi hàng tỉ đồng cho công tác kiểm tra. Đến ngày 13-6, đoàn thanh tra gồm 5 người đã bị áp tải đến nơi giam giữ.

Trước sự phản ánh của cơ quan báo chí, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Bộ phối hợp với cơ quan chức năng nắm bắt tình hình vụ việc, kiên quyết xử lý, không bao che cho bất cứ cá nhân nào.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định phối hợp xử lý nghiêm minh, không bao che bất cứ cá nhân nào. Nguồn: Người Lao động.

Đây không phải là vụ việc nhũng nhiễu bị phát hiện đầu tiên. Trước đó, ngày 28-12-2018, Đào Thị Thanh Bình (SN 1978, ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), phóng viên báo Thương hiệu và Công luận đã bị bắt về hành vi tống tiền Công ty TNHH LEXSHARE - ICT Việt Nam (Bắc Giang) 700.000 USD. Được biết, bà Bình có đề xuất ban biên tập báo Thương hiệu và Công luận thu thập thông tin viết bài về khu đất ở Bắc Giang.

Trong quá trình thu thập thông tin, bà Bình có phát hiện thấy sai phạm của công ty trên và kết hợp với một người môi giới tên là Nguyễn Thị Nhâm (40 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) tống tiền doanh nghiệp trên. Hành vi phi pháp này của bà Bình đã bị bắt tại trận cùng với hiện vật thu giữ được tại hiện trường.

Đào Thị Thanh Bình bị bắt vì hành vi tống tiền doanh nghiệp

Xử lý ra sao với hành vi nhận hối lộ, lợi dụng chức quyền?

Theo Điều 354, Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH, quy định về “Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 tỉ đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Công tác thanh tra xây dựng rất nhạy cảm, đòi hỏi cán bộ phải hết sức nghiêm minh. Công tác thanh tra không thể vì sự việc ở Vĩnh Phúc mà dừng lại, càng không thể vì một, hai cá nhân mà nghi ngờ tính nghiêm minh của các đoàn thanh tra.