[Clip] Cuộc đời nhiều nước mắt của nữ công nhân môi trường tử vong ở đường Láng

ANTD.VN - “Sáng hôm ấy Hà làm tăng ca, 8 giờ sáng em làm ở đường Trần Khánh Dư (Q. Hai Bà Trưng), đến 4 giờ chiều xong xuôi Hà về đường Láng tăng ca tiếp, xong rồi mới vào làng Thịnh Quang làm ca chính, đến khi trở lại đường Láng giúp đỡ mọi người thì xảy ra cơ sự như thế này”, chị Nguyễn Bích Hoa (SN 1975, Q. Thanh Xuân, Hà Nội), đồng nghiệp của nạn nhân gạt nước mắt chia sẻ.

Cho đến hôm nay, chị Hoa vẫn chưa tin rằng việc chị Lê Thị Thu Hà (sinh năm 1977) gặp nạn là sự thực. Khuôn mặt đầy mồ hôi vất vả, chị bỏ mũ bảo hộ, thắp cho đồng nghiệp nén hương tại khu vực gặp nạn.

[Clip] Cuộc đời nhiều nước mắt của nữ công nhân môi trường tử vong ở đường Láng ảnh 1

Chị Hoa thắp nén hương cho người đồng nghiệp xấu số 

Tai nạn đớn đau

Chị Hoa kể: Tôi với Hà làm việc cùng nhau từ những ngày đầu em về công ty làm việc, chị em gắn bó với nhau như hình với bóng, nhiều khi tôi vẫn hay đùa với Hà, “Mày cứ như là cái đuôi của tao ấy, Hà ạ!”.

“Hôm Hà gặp tai nạn (22-4), đoạn đường Láng (từ ngõ 122 đến ngõ 242) là do một đồng nghiệp khác trực, chứ nơi Hà được phân công trực là ở trong làng Thịnh Quang (P. Thịnh Quang, Q. Đống Đa). Nhưng do mấy hôm ấy, lá cây rụng nhiều, người trực bên đoạn đường này vất vả, nên Hà với 3 người đồng nghiệp nữa có qua phụ giúp, mỗi chị em một chân một tay thì việc dọn dẹp sẽ nhanh hơn. Đến khoảng 23 giờ ngày hôm đó, khi xe ô tô cẩu rác đến, Hà có nói mọi người về chỗ ô tô hỗ trợ cho nhanh, một mình Hà ở lại đây làm cũng được”, chị Hoa nhớ lại.

Hôm ấy chị Hoa được nghỉ làm, đến khoảng 23 giờ 15 phút, khi chị Hoa đang chuẩn bị đi ngủ thì một người đồng nghiệp khác gọi điện đến báo tin chị Hà gặp tai nạn. Do chưa nghe rõ, nên chị Hoa có hỏi lại, “Hà bị tai nạn như thế nào hả em?”, thì được đồng nghiệp đó giải thích, “Chị ấy đang quét đường hỗ trợ giúp em, nhưng chị ấy bị ô tô đâm chết rồi!”.

Nhận được hung tin, hai con mắt của chị Hoa tối sầm lại, chạy ra đến nơi thì đã thấy chị Hà nằm sõng soài trên đường. “Không biết tai nạn như thế nào, đau đớn quá, tôi không ngờ nó lại đến nhanh như thế”, chị Hoa tâm sự.

Chị Hoa mắt ngấn lệ khi chia sẻ về người đồng nghiệp cũ 

Được biết trước khi mất chị Hà có nằm Bệnh viện Thanh Nhàn để điều trị căn bệnh về gan. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn không có tiền mua thuốc, không có tiền đóng học cho con nên chị Hà trốn viện về để đi làm.

Hôm xảy ra tai nạn, chị Hà làm gần 2,5 ca, một ca ở đường Trần Khánh Dư (Q. Hai Bà Trưng) từ 8h sáng đến 4 giờ chiều, nửa ca ở đường Láng từ 4 giờ chiều, một ca ở làng Thịnh Quang (Q. Đống Đa) từ 5 giờ chiều đến nửa đêm. Nếu hôm đó, không xảy ra tai nạn thì phải tầm 1-2 giờ sáng hôm sau chị Hà mới được nghỉ.

Một kiếp người đầy gian truân, bạc mệnh

Thường được nghỉ chị Hà cũng không về nhà ngay mà vẫn tranh thủ chạy thêm xe ôm Grab. Hôm gặp khách thì được 100.000-200.000 đồng, cũng có hôm chả được đồng nào, chị Hà lại đi về (thường đã 4-5 giờ sáng).

Biết chị Hà làm việc cố sức, tổ trưởng tổ công nhân vệ sinh có tạo điều kiện cho chị Hà nghỉ ngơi: “Em ốm cứ ở nhà nghỉ, mọi người sẽ tạo điều kiện giúp đỡ”, nhưng chị Hà không nghe: “Chị ơi, bây giờ em nghỉ thì lấy đâu ra tiền, ai lo cho con em!”.

Chị Hoa thắp hương cho chị Lê Thị Thu Hà trước khi bắt đầu công việc

Cuộc sống của chị Hà vất vả, hai vợ chồng ly dị nhiều năm nay, chị Hà cùng với cháu lớn về ở với mẹ ở ngõ 81 Xã Đàn (P. Phương Liên, Đống Đa). Bên cạnh việc phải nuôi cháu lớn (SN 2004) ăn học, hàng tháng chị Hà vẫn phải gửi tiền trợ cấp cho cháu nhỏ (SN 2007) hiện đang ở với bố, mẹ chị Hà đã tuổi cao sức yếu thương con nhưng không làm sao giúp được. Bởi vậy, dù mỗi tuần được nghỉ ngày chủ Nhật, nhưng chị Hà vẫn xin được tăng ca, làm việc cả tháng đủ 30 ngày không ngơi nghỉ ngày nào.

“Hà ơi, em ra đi hãy thanh thản, em đừng lo lắng nữa! Mẹ già và các con nhỏ của em đã có xã hội chung tay giúp đỡ rồi.”, chị Hoa mắt ngấn lệ nói.

Video đồng nghiệp nói về chị Hà