Cảnh giác: Vé giả xem trận chung kết AFF Cup 2018 lan sang chợ trực tuyến

ANTD.VN - Không thể đặt vé xem trận chung kết AFF Cup 2018 qua trang của VFF, nhiều người hâm mộ bóng đá đã tìm tới các “chợ trực tuyến” để cầu may. Nhưng trong muôn vàn đầu mối rao bán vé nhiệt tình, không ít nơi lại bán toàn… vé giả. PV Báo ANTĐ đã ghi nhận sự việc cụ thể của một nạn nhân sống tại TP.HCM.

Một chiếc vé giả thiếu tem bóng được giao cho khách hàng. Sau đó, những kẻ làm giả vé dễ dàng "xoay" tem bóng để dán vào  cho... giống thật

Có kế hoạch ra Hà Nội đúng vào thời điểm sắp diễn ra trận chung kết AFF Cup 2018 rất được mong đợi, giữa đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam và đối thủ Malaysia, nên N.L (SN 1999, trú tại TP.HCM) đã tìm cách đặt vé xem bóng đá từ ngày 10-12.

Vì không thể đặt vé qua trang của VFF, nên L. đã tìm tới các trang thương mại điện tử (“chợ trực tuyến”), và thấy rất nhiều đầu mối rao bán vé. L. quyết định đặt một cặp vé từ một cửa hàng ghi địa chỉ tại Hà Nội, với giá 12 triệu đồng, và 2 cặp vé khác của một đầu mối trong Đồng Nai, với giá 2 triệu đồng.

“Phía cửa hàng Hà Nội có phương thức thanh toán là trả tiền cho người giao hàng, trong khi ở đầu mối Đồng Nai yêu cầu tôi phải chuyển khoản tiền trước”, anh L. cho biết.

Khi các nguồn cung giao vé, anh L. mới nhận ra rằng những đầu mối đó chỉ toàn là… vé giả.

Dưới đây là video clip ghi lại hình ảnh những chiếc vé giả được giao tới tay khách hàng:

“Với cửa hàng ở Hà Nội, họ cho tôi được mở phong bì để kiểm tra, nên khi mở ra và thấy cặp vé có nhiều biểu hiện bất thường, không giống vé thật, tôi đã trả lại và không bị mất 12 triệu đồng. Trong khi đó, phía đầu mối ở Đồng Nai thì không cho mở phong bì, và khi nhận hàng là 2 cặp vé giả thì tôi biết rằng mình đã bị lừa, mất tiền oan”, anh L. bày tỏ bức xúc.

Hai cặp vé giả mà anh L. nhận được khi mua qua mạng có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường, khi những chiếc vé này không được dán tem bóng (phần tem bóng trên vé là in màu luôn trên vé, chứ không phải dán), còn mã QR Code trả về kết quả là một trang web… lạ.

Mặt sau vé cũng có mã QR, khiến nhiều người chủ quan ngỡ là thật

Sau đó, anh L. đã liên hệ lại nơi bán vé, song không nhận được phản hồi, và thậm chí nơi bán còn đóng cửa luôn trên chợ trực tuyến. Phía chợ trực tuyến trung gian cũng "im lặng" khi vị khách không may này phản ánh sự việc.

Như vậy, cho tới thời điểm này, anh L. cũng giống như nhiều người khác, vẫn chưa thể sở hữu vé xem trận chung kết AFF Cup 2018 cho mình, dù những lời rao bán, chào mời vẫn “nhan nhản” trên internet.

Trước đó, Báo ANTĐ đã phản ánh nhiều trường hợp bị lừa mua vé giả, khi những kẻ lừa đảo rao qua Facebook rằng có “nguồn vé riêng”. Điểm chung của những kẻ lừa đảo là chúng luôn yêu cầu người mua phải đặt tiền trước, sau đó lần lữa việc giao vé, và tới lúc giao thì toàn là… vé tự in màu, hoàn toàn vô giá trị.

Hiện Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) đang vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi phạm pháp của những kẻ lừa đảo lợi dụng thời điểm này để trục lợi bất minh.