Các nước đã đưa xe Grab vào khuôn khổ như thế nào

ANTD.VN - Việc có nên đưa xe Grab vào mô hình quản lý như taxi truyền thống hay không đã trở thành vấn đề gây tranh cãi thời gian qua. Trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng phương án này để đảm bảo cạnh tranh công bằng trong nước, cũng như quy hoạch giao thông ổn định.

Clip: Bộ Giao thông đề xuất quản lý Grab như Taxi. Nguồn: VTC1

Công ty TNHH Grab vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan ngại về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải vừa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình Chính phủ vào đầu tháng 10.

Theo Grab, những quy định này không chỉ đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách thủ tục hành chính, mà còn phủ nhận hoàn toàn những lợi ích và kết quả tích cực mà Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã mang lại.

Trước đó, GTVT đã trình Chính phủ dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014, trong đó có quy định xe Grab 4 bánh phải đeo mào như taxi truyền thống. Ở dự thảo lần này, Bộ GTVT loại bỏ hoàn toàn khái niệm “hợp đồng điện tử” đã nêu trong đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử (trong đó Grab và Uber tham gia) và các dự thảo trước. Dự thảo nghị định mới yêu cầu xe hợp đồng dưới 9 chỗ sẽ phải chấm dứt việc ứng dụng công nghệ và phải chuyển đổi sang loại hình taxi (nếu muốn tiếp tục áp dụng công nghệ).

Bộ GTVT trình dự thảo mới, trong đó quy định xe Grab 4 bánh phải đeo mào như taxi truyền thống

Trước Việt Nam, nhiều nước cũng đã áp dụng mô hình quản lý này với Grab và Uber.

Singapore

Singapore là quốc gia sớm gặp các vấn đề với Uber, Grab cũng như giới taxi, nên họ đã bước vào quá trình xây dựng chính sách quản lý những ứng dụng gọi xe, bắt đầu bằng việc quản lý các tài xế đối tác.

Đầu năm 2017, Cục Giao thông đường bộ Singapore đã yêu cầu toàn bộ các tài xế đối tác của các hãng gọi xe đều phải có giấy phép hành nghề theo Luật giao thông đường bộ. Cơ quan này cho rằng luật mới sẽ đảm bảo các tài xế được trang bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng cần thiết để cung cấp dịch vụ vận tải một cách an toàn.

Sau quy định trên, các tài xế đối tác của Uber và Grab tại Singapore sẽ chịu sự quản lý, bao gồm một hệ thống chấm điểm chất lượng, tương đương với các tài xế taxi.

Singapore yêu cầu toàn bộ các tài xế đối tác của các hãng gọi xe đều phải có giấy phép hành nghề theo Luật giao thông đường bộ

Chính quyền Singapore cũng đang nghiên cứu để đưa ra các quy định quản lý các ứng dụng gọi xe, nhằm mở rộng phạm vi của các quy định hiện hành và giúp quy hoạch tổng quan giao thông Singapore phát triển ổn định.

Trung Quốc

Tại Trung Quốc, nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải đã ra quy định yêu cầu lái xe của ứng dụng phải là người dân địa phương và phương tiện của họ cũng phải được đăng ký trong thành phố. Chính phủ Trung Quốc cấp phép hoạt động cho các mô hình đi nhờ xe thông qua ứng dụng, song tại các thành phố khác nhau, chính quyền có thể đưa ra những biện pháp riêng để áp dụng cho các ứng dụng. Đây được xem là một trong những chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi của các hãng taxi truyền thống.

Cụ thể, vào tháng 7- 2016, các nhà quản lý Trung Quốc đã ban hành khung pháp lý điều chỉnh loại hình dịch vụ gọi xe của bên thứ ba này. Tại thời điểm đó, Didi Chuxing và Uber là hai hãng cung cấp ứng dụng gọi xe có thị phần lớn nhất tại Trung Quốc. Chính sách quản lý dịch vụ gọi xe qua mạng này gồm những điểm chính sau:

- Các tài xế phải có bằng lái xe chuyên nghiệp và tối thiểu 3 năm hành nghề lái xe, đồng thời không phạm tội hình sự, tội phạm về lái xe;

- Dữ liệu người dùng phải được bảo vệ;

- Dữ liệu người dùng phải được lưu trữ và sử dụng trong nước và lưu trữ tối thiểu 2 năm;

- Tài xế phải ký hợp đồng lao động với nhà cung cấp ứng dụng, trong đó ghi rõ quyền và nghĩa vụ các bên;

- Phương tiện chở khách có niên hạn không quá 8 năm và không chạy quá 600 ngàn km.

Bên cạnh các điều khoản chung, luật cũng nhường một số quyền hạn cho chính quyền địa phương quyết định như quyền khống chế giá tối đa.

Trung Quốc siết chặt quản lý dịch vụ gọi xe của bên thứ ba bảo vệ quyền lợi của các hãng taxi truyền thống

Châu Âu

Tại châu Âu, ứng dụng gọi xe phổ biến nhất thế giới Uber cũng vấp phải không ít khó khăn khi bị nhiều quốc gia như Bulgaria, Đan Mạch, Italia, Hungary... cấm vì “cạnh tranh thương mại không lành mạnh”.

Các quốc gia này yêu cầu Uber phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu của luật pháp và phải đăng ký như một dịch vụ taxi thì mới được phép hoạt động. Ngoài các quốc gia trên, Uber cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị cấm tại Phần Lan, Pháp, Tây Ban Nha hay Hà Lan. Nhiều thành phố lớn cũng buộc Uber phải áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ như đào tạo lái xe nghiêm túc hơn, thực hiện các chính sách bảo hiểm và kiểm tra xe bắt buộc.

Tòa Công lý châu Âu (ECJ) cuối năm 2017 đã phán quyết Uber là một hãng cung cấp dịch vụ vận tải, không phải một công ty kỹ thuật số. Như vậy, Uber và các thành viên tham gia chuỗi cung ứng cũng sẽ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh như các công ty vận tải chuyên nghiệp.

Sau quy định này, nhiều nước châu Âu đã rộng đường quản lý những ứng dụng dạng như Uber. Điển hình là Đan Mạch khi nước này thông qua luật mới yêu cầu tất cả các taxi, dù truyền thống hay công nghệ, đều phải có đồng hồ tính tiền. Một thời gian ngắn sau đó, Uber tuyên bố tự rút khỏi thị trường này.

Còn tại Bulgaria, sau hàng loạt cuộc biểu tình của các hãng taxi truyền thống khi cho rằng các ứng dụng như Uber đang cạnh tranh không lành mạnh vì sử dụng tài xế không có giấy phép lái taxi, không có giấy phép hành nghề vận tải, chính quyền nước này đã phải vào cuộc.

Một cuộc điều tra phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan vận tải của Bulgaria đã đưa ra kết luận phạt Uber 50.000 Euro (57.000 USD) vì những cáo buộc trên. Các nhà làm luật còn yêu cầu Uber và các dịch vụ tương tự phải có xe taxi và tài xế được cấp phép nếu muốn vận hành.

Một lượng lớn người dùng Uber tại Bulgaria đã đồng loạt ký ủng hộ Uber và khảo sát cho thấy 77% dư luận bất đồng với quy định quản lý mới. Tuy nhiên Uber cũng đã tự rút khỏi thị trường Bulgaria sau đó và không cho thấy dấu hiệu quay trở lại.

Canada

Tháng 9-2017, chính quyền thành phố Quebec, Canada ban hành quy định mới, yêu cầu toàn bộ tài xế đối tác của Uber phải có xác nhận tiền án tiền sự bởi cảnh sát và có 35 giờ tập huấn tương đương với các tài xế taxi truyền thống.

Uber cho rằng quy định này sẽ ảnh hưởng đến 5.000 tài xế đối tác và gần 1 triệu khách hàng của hãng tại Quebec. Lãnh đạo của Uber tại đây chia sẻ quy định mới trên là "một trong những quy định khắt khe nhất mà chúng tôi gặp phải tại Bắc Mỹ" và sẽ cản trở cơ hội làm việc của những tài xế bán thời gian.

Hãng đã tuyên bố sẽ rời bỏ thị trường bang Quebec, bao gồm hai thành phố lớn nhất của Canada là Quebec và Montreal, nếu quy định trên đi vào hiệu lực. Uber đã làm đúng theo tuyên bố và rút khỏi thị trường này sau đó.

Mỹ

Trong khi đó, một thành phố khác là Austin (Texas, Mỹ) cũng đã yêu cầu Uber phải lấy dấu vân tay và kiểm tra kỹ lý lịch của tất cả tài xế đang chạy cho mình, tương tự như với tài xế taxi truyền thống, và bác bỏ đề nghị của công ty này về việc muốn tự quản lý các tài xế đối tác.

Việc Uber phản đối, bất hợp tác với yêu cầu trên đã khiến chính quyền Austin đưa ra lệnh cấm hãng vận hành tại thành phố này. 10.000 tài xế đối tác của hãng tại đây đã phải bỏ việc hoặc sang các thành phố lân cận để hành nghề.

Một năm sau, Uber được mở cửa trở lại tại Austin, tuy nhiên lúc này hãng đã mất gần như hoàn toàn thị phần vào tay các đối thủ mới nổi lên tại địa phương.

Các quy định cứng rắn tại thành phố Quebec của Canada khiến Uber phải rút lui khỏi thị trường này

Có thể nói, mô hình kinh doanh mới như Grab hay Uber đều thách thức các nhà làm luật tại mọi quốc gia. Là một nước đi sau, Việt Nam sẽ có những tham khảo hữu ích của các nước để xây dựng khung pháp lý phù hợp và phát huy tác dụng trong cuộc sống.