5 điều lưu ý quan trọng để tránh bị lừa khi đi tìm việc

ANTD.VN - Liên tiếp các vụ lừa đảo xin việc bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý trong thời gian qua chính là bài học cảnh tỉnh cho những người “nhẹ dạ, cả tin” còn tâm lý muốn “chạy việc”. Để tránh rơi vào hoàn cảnh “tiền mất, tật mang” khi đi xin việc, bạn hãy ghi nhớ kỹ những lưu ý dưới đây.

Theo thông tin trên Báo Pháp luật, ngày 25-10, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam bốn tháng đối với Đỗ Lê Vũ (32 tuổi, ngụ phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Đối tượng Đỗ Lê Vũ tại Cơ quan điều tra

Theo hồ sơ, từ năm 2014 đến khi bị bắt, Vũ nắm bắt nhu cầu của nhiều người là cần việc làm, nhà ở. Từ đó, Vũ “nổ” quen biết nhiều cơ quan, tổ chức có thể chạy để tuyển dụng nhân sự, bố trí nhà ở và tuyển sinh đào tạo.

Vũ đã thực hiện sáu vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cá nhân cả tin trên địa bàn TP. Trong đó có hai vụ lừa đảo xin vào biên chế ngành công an, lấy của các bị hại này hơn 500 triệu đồng.

Ngoài sáu vụ lừa đảo nói trên, Vũ còn khai nhận thực hiện bốn vụ lừa đảo xin việc khác tại địa bàn quận Sơn Trà. Tổng số tiền trên 3 tỉ 800 triệu đồng lấy từ các nạn nhân Vũ dùng để trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Sau khi lừa đảo, Vũ trốn vào TP.HCM nhưng không thoát.

Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức “chạy việc” bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Mặc dù vậy, lợi dụng tâm lý cần việc làm cho người thân của mình, nhiều đối tượng đã tái diễn chiêu trò cũ, vờ xin việc để chiếm đoạt tiền của nhiều bị hại.

Mạo danh thiếu tướng quân đội để lừa đảo 1000 người

Tháng 6-2018, Công an TP Hà Nội thông tin đã triệt phá đường dây mạo danh thiếu tướng quân đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của gần 1.000 người.

Theo tài liệu điều tra, đầu năm 2018, nhiều người dân đến cơ quan điều tra trình báo về việc đã đưa tiền cho một người tên là Hoa Hữu Long gắn mác thiếu tướng quân đội để nhờ xin việc làm tại Tập đoàn Đông Dương.

Theo trình báo, sau khi nộp tiền, các nạn nhân chờ nhiều ngày nhưng vẫn không được bố trí xin việc nên đến trình báo cơ quan chức năng. Vì quá tin tưởng, rất nhiều người đã tin tưởng và sập bẫy của đường dây này.

 

Hoa Hữu Long cùng các đồng phạm

Quá trình điều tra ban đầu xác định, từ năm 2015, Hoa Hữu Long (người cầm đầu đường dây lừa đảo) cùng các đồng phạm bàn bạc lên kế hoạch để làm giả các quyết định của Bộ Quốc phòng về việc thành lập Tập đoàn Đông Dương, đồng thời mạo nhận mình là thiếu tướng quân đội. Hai đồng phạm là ông Nguyễn Minh Sơn (47 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Mạc Phúc Hải (54 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng mạo nhận là người trong quân đội.

Theo tài liệu điều tra, để được đồng ý xin việc vào tập đoàn Đông Dương, nhóm lừa đảo này yêu cầu mỗi người đến gửi hồ sơ xin việc phải nộp từ 65 – 150 triệu đồng.

Các đối tượng hoạt động tinh vi đến mức khi người dân đến nộp hồ sơ xin việc không được nhận biên lai thu nhận tiền và phải giữ kín thông tin với lý do đây là đơn vị kinh tế bí mật của Bộ Quốc phòng.

Lừa đảo xin việc và chạy án

Ngày 12-7-2016, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Mỹ Đức (Hà Nội) nhận được đơn tố giác của ông Bạch Văn Quang (sinh năm 1966, ở huyện Mỹ Đức) tố cáo Nguyễn Thị Kim Dung lừa đảo chiếm đoạt 130 triệu đồng bằng thủ đoạn hứa hẹn xin cho con gái ông đỗ viên chức và đi dạy tại trường mầm non trên địa bàn. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng nhận được 18 đơn tố giác của những người khác tố cáo Dung có hành vi lừa đảo.

Tiến hành điều tra, cơ quan chức năng xác định, trên thực tế, sau khi nhận tiền, Dung không làm bất cứ thủ tục gì để xin cho chị Bích thi đỗ viên chức. Khi nhận được thông báo không đỗ viên chức của con gái, ông Quang đã gọi điện hỏi Dung. Dung nói phải chờ tiếp vì con gái ông Quang nằm trong xuất ưu tiên, đối ngoại của lãnh đạo. Đến cuối năm 2014, không thấy con gái có quyết định đi làm, ông Quang yêu cầu Dung trả lại số tiền trên nhưng Dung không trả.

Ngoài lừa đảo xin việc, thi đỗ viên chức..., bị cáo Nguyễn Thị Kim Dung còn lừa đảo chạy án, chiếm đoạt tiền của cha con ông Bùi Thanh Loan (sinh năm 1959, ở huyện Mỹ Đức).

 

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Dung

Cơ quan điều tra xác định bằng thủ đoạn lừa đảo nói trên, Dung đã lừa đảo tổng số 19 bị hại và chiếm đoạt của họ tổng số hơn 3,5 tỷ đồng.

Với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Thị Kim Dung phải chịu mức phạt là 19 năm tù.

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo xin việc. Nguồn: HTV

5 điều lưu ý để tránh bị lừa khi đi tìm việc

Liên tiếp các vụ lừa đảo xin việc bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý trong thời gian qua chính là bài học cảnh tỉnh cho những người “nhẹ dạ, cả tin” còn tâm lý muốn “chạy việc”. Để tránh rơi vào hoàn cảnh “tiền mất, tật mang” khi đi xin việc, bạn hãy ghi nhớ kỹ những lưu ý dưới đây.

Một thông tin trên Báo Người lao động cho biết, theo bà Đinh Kim Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM, đối với người lao động, cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi cho mình và tránh bị mắc lừa khi đi tìm việc, cần lưu ý một số điều dưới đây:

- Coi chừng giới thiệu việc làm (GTVL) “chui”: Hiện có một số cơ sở GTVL không giấy phép, hoạt động “chui”, hoặc không làm thủ tục đăng ký mở chi nhánh, văn phòng. Nên tránh những cơ sở này bằng cách tìm hiểu qua biển hiệu của cơ sở, các giấy tờ liên quan được cấp trong quá trình đăng ký tìm việc.

- Không nhận việc qua trung gian: Đã có nhiều trường hợp, người tìm việc thỏa thuận nộp hồ sơ xin việc với người lạ mặt tụ tập trước các cơ sở GTVL và sau đó bị lừa lấy giấy tờ, tiền bạc. Tốt nhất, nên trực tiếp vào gặp nhân viên tư vấn việc làm của cơ sở GTVL, tránh tiếp xúc qua trung gian bên ngoài.

- Xác định rõ công ty tuyển dụng: Việc khai thác chỗ làm ở các cơ sở GTVL rất đa dạng: Doanh nghiệp trực tiếp đến, công ty điện thoại nhờ tuyển hộ, khai thác nhu cầu qua báo chí... Do không kiểm soát đầu vào và do thiếu trách nhiệm kiểm tra nên không ít cơ sở GTVL đã để kẻ gian giả danh nhà tuyển dụng lừa đảo tài sản của người tìm việc. Vì thế, khi được giới thiệu đi phỏng vấn, nên đề nghị cơ sở GTVL kiểm tra lại một lần nữa công ty tuyển dụng, người đại diện tuyển dụng là ai. Trực tiếp đến nơi công ty tuyển dụng và tuyệt đối không giao dịch hay phỏng vấn với người tuyển dụng lạ mặt bên ngoài trụ sở công ty.

 

Cần cảnh giác với các “miếng mồi thơm” của kẻ lừa đảo

- Yêu cầu thực hiện đúng cam kết: Rất nhiều trường hợp người tìm việc bị cơ sở giới thiệu đi phỏng vấn sai địa chỉ, hoặc sai với các thỏa thuận về điều kiện tuyển dụng, điều kiện làm việc, thu nhập... Nên nói rõ công việc cần làm, khả năng đáp ứng, lương đề nghị và yêu cầu nhân viên tư vấn kiểm tra lại tính xác thực của công việc, thực hiện đúng các cam kết do hai bên đưa ra.

- Hoàn phí GTVL: Đây là khâu rắc rối nhất và thường xảy ra tranh chấp giữa người tìm việc với cơ sở GTVL. Trong trường hợp phỏng vấn bất thành, nên yêu cầu người đại diện tuyển dụng ghi rõ vào mặt sau giấy giới thiệu lý do không được tuyển để làm cơ sở hoàn phí. Nếu sau một, hai lần giới thiệu bất thành, nên yêu cầu cơ sở GTVL hoàn phí.