Video clip: Sơn cầu sơn cả xe đi qua

(ANTĐ) - Để đảm bảo sức sống lâu dài cho cầu Chương Dương, người ta đã cho sơn cầu định kỳ. Tuy nhiên nhiều chiếc xe ôtô đi qua đó chịu chung “số phận” với những nhịp, dầm cầu bởi lớp sơn phủ. Đó là ý kiến phản ánh của nhiều bạn đọc tới tòa soạn ANTĐ trong thời gian gần đây.

Video clip: Sơn cầu sơn cả xe đi qua

(ANTĐ) - Để đảm bảo sức sống lâu dài cho cầu Chương Dương, người ta đã cho sơn cầu định kỳ. Tuy nhiên nhiều chiếc xe ôtô đi qua đó chịu chung “số phận” với những nhịp, dầm cầu bởi lớp sơn phủ. Đó là ý kiến phản ánh của nhiều bạn đọc tới tòa soạn ANTĐ trong thời gian gần đây.

“Sau gần một tuần, tôi mới phát hiện ra chiếc xe máy trắng tinh mới mua của mình bị phủ một lớp sơn mờ mà không rõ nguyên nhân” - chị Khánh Linh (ở đường Nguyễn Văn Cừ) than thở, mãi về sau chồng tôi mới phát hiện ra là cầu Chương Dương đang trong thời gian sơn sửa chữa, bảo dưỡng, mà xe thì hàng ngày đi làm qua đó ít nhất hai lần.

“Cách đây khoảng mười ngày, một người khách đi chiếc Toyota Camry đã vào xưởng bảo dưỡng của chúng tôi hỏi chi phí để sơn lại hai bên thành xe vì bị một lớp sơn mờ bám vào khi đi qua cầu Chương Dương trong thời gian sơn cầu” – anh Nguyễn Tiến Công, Trưởng trạm sửa chữa Toyota Hoàn Kiếm (số 5 Lê Thánh Tông) cho biết.

Ngoài ra còn rất nhiều phản ánh nữa của bạn đọc đến tòa soạn cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Nhiều người đi loại xe hơi đắt tiền qua cầu bị “dính sơn” khi ra xưởng sửa chữa phải mất chi phí hàng chục triệu đồng.

Trước đó nữa, Báo ANTĐ đã có bài phản ánh (ngày 26-7-2007), và tòa soạn đã nhận được công văn của Ban Quản lý dự án đường bộ II thuộc Cục Đường bộ Việt Nam - đơn vị quản lý dự án sửa chữa cầu Chương Dương tiếp thu ý kiến phê bình góp ý của Báo về việc thi công sửa chữa cầu Chương Dương. 

Miệt mài sơn cầu kệ cho xe qua
Miệt mài sơn cầu kệ cho xe qua


Đơn vị này đã có công văn gửi Liên danh Công ty cổ phần ĐT&XD Bảo Quân và Công ty Quản lý và SCĐB 234 phải thực hiện ngay các việc nhằm làm tốt công tác vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện giao thông qua lại trên cầu, cụ thể: Chỉ được phun cát, lắp dựng, tháo dỡ luân chuyển sàn công tác, căng bạt và thổi hơi sạch từ 0h đến 4h30. Dùng bạt che chắn kín tại các vị trí thi công không cho sơn bụi cát bay ra cầu, ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông.

Bạt phải có hệ thống neo, chằng chắc. Nếu do phun cát bị rách, thủng thì phải kịp thời thay ngay. Trong phạm vi thi công phải có đầy đủ các biển báo hiệu theo quy định và phải có người hướng dẫn đảm bảo giao thông trong quá trình thi công.  

Tuy vậy, trưa 29-10, có mặt trên cầu Chương Dương, phóng viên ANTĐ vẫn ghi nhận được những hình ảnh những người thợ sơn cầu làm việc. Khi được hỏi, họ trả lời làm cố để tối nghỉ (?!).

Chiều 29-10, làm việc với đơn vị Liên danh Công ty cổ phần ĐT&XD Bảo Quân, chúng tôi được biết, quy định làm việc từ 0h đến 4h30 hàng ngày. Anh Vũ Viết Nhu – phụ trách thi công của Công ty Bảo Quân cho biết, giờ này công nhân đang nghỉ để tối thi công.

Còn việc ban ngày có thợ làm trên cầu là thi công từ mặt cầu trở xuống và sửa chữa dặm (vì ban đêm ánh sáng không đủ, nên có những lỗi nhỏ phải vá sửa vào ban ngày).

Khi nhận được thông tin về những phản ánh của bạn đọc, anh Vũ Viết Nhu cho biết, nếu chúng tôi sai, thi công ẩu dẫn đến sơn dính vào phương tiện qua lại thì chúng tôi xin chịu trách nhiệm. Nhưng nếu cả tuần, cả tháng sau mới quay lại thì làm sao biết là sơn dính vào xe là sơn của chúng tôi (!).

Lực lượng bảo vệ cầu (thuộc Công ty Công trình giao thông 2 – Sở GTCC Hà Nội), Thanh tra GTCC, CSGT thì khẳng định, đơn vị sơn cầu không làm vào ban ngày, vì nếu làm ảnh hưởng đến giao thông, ùn tắc thì sẽ đề nghị cho dừng thi công ngay.

Anh Vũ Viết Nhu – phụ trách thi công sơn cầu cho biết, việc sơn cầu được bắt đầu từ tháng    6-2007 và dự kiến đến 15-12-2007 sẽ hoàn thành. Khối lượng công việc hiện nay đã hoàn thành được 70%. Đơn vị trúng thầu (Liên danh Công ty Bảo Quân và Công ty Quản lý và SCĐB 234) bảo hành 1 năm sau khi sơn cầu. Đơn vị cung cấp sơn bảo đảm chất lượng sơn cầu có tuổi thọ 10 năm.

Cho dù lý do thế nào đi nữa thì cũng đã có những phản ánh của bạn đọc, và thực tế đã xảy ra hiện tượng “dính sơn” vào xe của người qua cầu. Cũng đã hơn một lần Báo ANTĐ phản ánh tình trạng này và đã có tiếp thu của nhà thầu. Vì thế, đơn vị quản lý cầu cần phải có biện pháp tức thời đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại cho người và xe qua cầu.

Tường Lâm