Video ca nhạc “hướng về Hà Nội”: Kể một câu chuyện khác...

ANTĐ - 60 năm kể từ khi ra đời, ca khúc “Hướng về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Dương lần đầu tiên được chuyển thể thành một bộ phim ca nhạc không lời, nhưng chất chứa giai điệu, cảm xúc. Và thực hiện điều ấy lại là một cô gái trẻ người Huế chơi Violin Cello…
Video ca nhạc “hướng về Hà Nội”: Kể một câu chuyện khác... ảnh 1

Táo bạo và độc đáo

Nhắc đến Đinh Hoài Xuân, nhiều người nhớ đến một cô gái có vẻ đẹp nền nã của người con gái Huế. Nữ nghệ sĩ Violin Cello này cũng từng làm người yêu nhạc mê mẩn khi táo bạo ra mắt video ca nhạc đầu tiên chơi Cello về nhạc Trịnh hồi đầu năm. Việc một nghệ sĩ chơi nhạc cụ ra video ca nhạc là điều xưa nay hiếm, nhất là khi Hoài Xuân còn rất trẻ và chưa được nhiều người biết tới, trong khi khán giả cũng chưa quen với việc xem một sản phẩm video ca nhạc không lời. Nhưng không dừng lại ở đó, cây Cello tài năng gốc Huế một lần nữa khiến người yêu nhạc ngỡ ngàng khi bất ngờ trình làng thêm một video ca nhạc. Và lần này, đặc biệt hơn khi đó là một sản phẩm âm nhạc về Hà Nội.

Hoài Xuân tâm sự, cũng như hàng triệu người dân Việt Nam, trong cô luôn có tình yêu và lòng tự hào dành cho Hà Nội – nơi cô không sinh ra nhưng được học tập, rèn luyện và trưởng thành. Cũng bởi thế, từ cách đây hơn một năm, Hoài Xuân cùng một vài người bạn đã có ý tưởng sẽ làm một sản phẩm âm nhạc để tri ân mảnh đất này và ngay khi ấy, họ đã nghĩ đến ca khúc “Hướng về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Dương – bài hát được vị nhạc sĩ tài hoa viết vào đầu năm 1954 ghi lại nhiều tâm sự của ông với Hà Nội trong những ngày trẻ trung và đa cảm.

Nhạc sĩ Hoàng Dương chia sẻ, ông không đếm xuể trong suốt 6 thập kỷ qua, “Hướng về Hà Nội” đã xuất hiện bao lần trên sóng phát thanh, truyền hình, cũng không nhớ nổi đã có bao nhiêu ca sĩ thể hiện nó, chỉ biết là rất nhiều. Có điều, sáng tác để đời này của ông từ trước tới nay mới chỉ tồn tại dưới dạng ca khúc chứ chưa phải là một tác phẩm âm nhạc thuần túy. Vì thế, khi biết Hoài Xuân có ý định chuyển thể ca khúc này thành một câu chuyện âm nhạc không lời với bản hòa tấu dành cho Cello, có sự tham gia của cả dàn nhạc giao hưởng, ông thấy bất ngờ nhưng cũng rất mong chờ. Rốt cuộc, vị nhạc sỹ gạo cội đã không thất vọng khi xem thành quả sau hơn 10 tháng lao động miệt mài của Hoài Xuân cùng êkip thực hiện. Ông bảo xem xong, ông nhận thấy giá trị biểu cảm của “Hướng về Hà Nội” không những không giảm đi mà còn được tôn vinh một cách rất thuyết phục.

Bức tranh cảm động về Hà Nội…

Mở ra từ hình ảnh một buổi trình diễn trên sân khấu mà ở hàng ghế khán giả không có ai, ngoại trừ một người phụ nữ cao tuổi, câu chuyện trong video ca nhạc “Hướng về Hà Nội” đưa người xem trở lại với bối cảnh Hà Nội của những năm kháng chiến gian khổ và ác liệt. Ở đó, nhân vật chính là 3 em bé vô tình bị lạc vào rừng sâu, gặp một chiến sĩ bộ đội bị thương, được anh nhường miếng ăn duy nhất còn lại bên mình là củ khoai và xả thân cứu sống chúng khỏi mũi tên hòn đạn của kẻ thù. Sau này, khi người bộ đội ấy đã ra đi, thứ duy nhất anh để lại là bức ảnh về người con gái mà ngày đêm anh mong ngóng cùng tình yêu và nỗi nhớ vô bờ về Hà Nội. Không có bất cứ lời hát nào, chỉ có tiếng đàn Cello nhẹ nhàng mà khắc khoải cùng bản hợp xướng âm thanh thánh thót mà trầm hùng của dàn nhạc giao hưởng, song câu chuyện bằng nhạc chỉ vẻn vẹn vài phút trong video ca nhạc đã thật sự làm người xem xúc động. 

NSND Quang Thọ chia sẻ cách đây 17 năm, ông đã hát ca khúc này trong một video ca nhạc và đạt giải cao nhất tại một cuộc thi tiếng hát trên sóng truyền hình. Khi ấy, ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Dương được mường tượng và kể theo cách khác, dù cũng có hình ảnh về người chiến sĩ, có sự xa cách lứa đôi và có nỗi nhớ về Hà Nội. Cũng bởi vậy mà khi xem video ca nhạc của Hoài Xuân, ông thấy rất bất ngờ. Giọng ca lão luyện trong làng nhạc Việt đã ngạc nhiên mà thốt lên rằng ông không nghĩ những người trẻ bây giờ lại có tư duy táo bạo và độc đáo đến thế. Nhưng cũng bởi sự táo bạo ấy mà “Hướng về Hà Nội” từ một bài hát đã trở thành một tác phẩm âm nhạc trọn vẹn, có cốt truyện, có chủ đề, tái hiện được cả Hà Nội và tấm lòng người Hà Nội một thời chiến tranh oanh liệt.