Vỉa hè trước cửa, cứ tưởng của mình: Tràn lan vi phạm

ANTĐ - Ở những tuyến phố không phải là “đất vàng”, khách bộ hành còn có thể đi lại trên một số đoạn vỉa hè, còn ở các tuyến phố có hoạt động kinh doanh sầm uất hay tại khu vực xung quanh trường học, bệnh viện, khu chung cư thì việc đi bộ trên vỉa hè của người dân quả là điều xa xỉ!

Phố Phùng Hưng đoạn trường Tiểu học Thăng Long luôn trong tình trạng ùn tắc

Lòng đường còn chật, huống chi vỉa hè

Có mặt tại cổng trường Tiểu học Tràng An (phố Nhà Chung) quận Hoàn Kiếm vào khoảng 16h chiều 1-4, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng khá lộn xộn. Mặc dù trường nằm sát vườn hoa với diện tích tương đối rộng, song vẫn có nhiều phụ huynh đỗ xe dưới lòng đường chờ đón con, bởi, hầu hết diện tích vỉa hè tại khu vực này không còn chỗ trống. Học sinh khi đi bộ ra ngoài cổng trường phải chen chúc, len lỏi giữa những người bán hàng rong và vô số phương tiện giao thông khác. Không chỉ đỗ xe máy, một số phụ huynh còn đỗ ô tô ngay dưới lòng đường khiến các phương tiện giao thông khác đi lại qua khu vực này khá vất vả. 

Vừa lấy tay lau mồ hôi, vừa dắt cháu trai đang học lớp 2 qua đường, ông Nguyễn Văn Đức – cán bộ hưu trí phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm chia sẻ, do nhà gần nên hôm nào ông cũng đi bộ ra trường đón cháu. Dù quãng đường chưa đầy 1 cây số nhưng hôm nào hai ông cháu cũng phải mất 30 phút mới về đến nhà. “Vỉa hè chật ních, người người chen chúc nhau nên hai ông cháu tôi phải nhích từng bước một. Không những vậy, quanh cổng trường còn có khá nhiều người bán hàng rong, quà vặt nên vỉa hè càng bị thu hẹp” - ông Đức nói.

Tình trạng trên cũng lặp lại ở phố Ngõ Trạm và phố Phùng Hưng - nơi có Trường Tiểu học Thăng Long. Dù trường nằm ở cả hai mặt phố nhưng các em học sinh thường xuyên phải đi xuống lòng đường. Vào giờ tan học, phần lớn diện tích vỉa hè và lòng đường tại khu vực này trở thành nơi dừng đỗ xe của các phụ huynh. Bà Nguyễn Thị Dịu - người dân sống tại phố Ngõ Trạm cho biết, hầu như chiều nào khu vực này cũng bị ùn ứ do số lượng phương tiện giao thông dừng đỗ đông đúc. Vỉa hè chật chội, cổng trường lại nằm ngay mặt đường, nhiều người đỗ xe bừa bãi, quay đầu xe vô tội vạ khiến giao thông càng thêm hỗn loạn. Khổ nhất là các cháu nhỏ không biết đi lối nào, cứ loay hoay chen chúc trên vỉa hè.

Không chỉ có vậy, một số người tham gia giao thông khi đi qua những tuyến phố này vào giờ cao điểm do đường đông, bức xúc nên bóp còi inh ỏi hoặc phóng xe lạng lách, lao cả lên vỉa hè gây nguy hiểm cho người đi bộ. Trong khi đó, các bậc phụ huynh đưa đón con phải đi xuống lòng đường tránh làm ảnh hưởng đến việc buôn bán của một số hộ kinh doanh.

Việc vỉa hè bị sử dụng sai mục đích còn diễn ra tại các tuyến phố quanh các bệnh viện. Đã từ lâu, phần lớn diện tích vỉa hè trên phố Phủ Doãn (đoạn trước cổng Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Phụ sản Trung ương) đã trở thành điểm trông giữ xe và đội ngũ bán hàng rong “chiếm cứ”, khiến bệnh nhân và người nhà không còn cách nào khác phải đi bộ xuống lòng đường. 

Ở đâu cũng bị lấn chiếm

Thậm chí, ngay tại ngã tư Hàng Bông - Phủ Doãn nhiều đoạn vỉa hè, lòng đường đã bị những cửa hàng sửa chữa xe máy lấn chiếm, tận dụng tối đa, trở thành xưởng sửa chữa xe ngay trên phố. Cùng với đó, lượng dầu, mỡ thải ra từ việc sửa xe máy khiến vỉa hè lúc nào cũng nhớp nháp, nhuộm màu xám xịt gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Ngay cả những địa điểm kinh doanh thuộc diện sang trọng như nhà hàng, khách sạn cũng coi vỉa hè như của để dành. Để thu hút khách, chủ các điểm kinh doanh còn kê bàn ghế, bài trí khung cảnh hết sức lãng mạn ngay trên vỉa hè nhằm tận dụng tối đa khoảng không gian mà họ cho rằng đó là chủ quyền của mình. 

Một điều không thể không nhắc tới là có không ít đoạn vỉa hè được cấp phép điểm đỗ, trông giữ xe đã “chặn” mất lối đi bộ của khách hành, đơn cử như điểm đỗ xe tại phố Hoả Lò. Thậm chí, đoạn vỉa hè ngay trục giao thông giữa phố Lý Thường Kiệt- Hoả Lò (trước cửa Toà án Tối cao) đã được tận dụng làm nơi để những thùng rác thải, cản trở lối đi của người đi bộ.

Tại một số khu chung cư như Dịch Vọng (Cầu Giấy), Thành Công (Ba Đình) vỉa hè, khu vực sân chơi đều bị các hộ kinh doanh sử dụng và tận dụng hết công suất. Tại đây, vỉa hè, đường đi dạo của mỗi khối nhà đều trở thành những bãi trông giữ xe, chợ cóc, quán ăn, khiến nhiều cư dân rất bức xúc.

Bác Nguyễn Tú L- một cán bộ về hưu đang sống tại khu tập thể Thành Công than phiền, không gian sống ở nhiều khu chung cư vốn đã “ngột ngạt” nay lại càng trở nên khó thở bởi sự lấn chiếm vô tội vạ của người dân. Mặc dù, chính quyền phường đã đầu tư kinh phí để nâng cấp và tôn tạo vỉa hè nhưng chỉ một thời gian ngắn lại xuống cấp do các hộ kinh doanh sử dụng vào mục đích riêng.

Theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, nghiêm cấm hành vi cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian thuộc phần sở hữu chung hoặc phần sử dụng chung dưới mọi hình thức, song gắn với thực tế tình trạng lấn chiếm vỉa hè đang tồn tại ở khắp ngang cùng, ngõ hẻm của Thủ đô thì xem ra ở đâu có vỉa hè thì ở đó có vi phạm.